CLB Sử Học Trẻ Việt Nam
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


CLB Sử Học Trẻ Việt Nam
 
Latest imagesTrang ChínhĐăng kýĐăng Nhập
DIỄN ĐÀN SỬ HỌC TRẺ - Điểm hẹn của những người đam mê Sử học từ khắp mọi miền Tổ quốc.
Most Viewed Topics
Chữ viết ở Đông Nam Á
Nguyễn Ái Quốc những hoạt động chủ yếu từ 1919-1930 và vai trò đối với CMVN
Tại sao giai cấp nông dân không thể là giai cấp lãnh đạo cách mạng?
Nguyên nhân chính của cao trào 30-31 là nguyên nhân nào ??
Điều lệ của Câu lạc bộ Sử học Trẻ; Nội quy của Forum Suhoctre
TỔ CHỨC BỘ MÁY NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT THỜI NGÔ - ĐINH - TIỀN LÊ
Tư sản dân quyền
Đặc điểm con người nhà văn Nam Cao
phong trào cách mạng 1936-1939 có mang tính dân tộc hay không?
Đặc điểm của cuộc cách mạng tư sản Anh thế kỉ XVII:

Share | 

 

 Ảnh hưởng của tự nhiên - xã hội tới văn hoá Trung Quốc cổ đại và phong kiến

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Ảnh hưởng của tự nhiên - xã hội tới văn hoá Trung Quốc cổ đại và phong kiến I_icon_minitimeWed Apr 06, 2011 3:23 pm

phangxehana
lịch sử

Thành viên cấp 1

phangxehana

Thành viên cấp 1

Họ & tên Họ & tên : Nguyẽn Thị Én
Ngày tham gia Ngày tham gia : 11/10/2010
Tổng số bài gửi Tổng số bài gửi : 32
Đến từ Đến từ : Nam Định
Sở trường/ Sở thích Sở trường/ Sở thích : lịch sử
Điểm thành tích Điểm thành tích : 68
Được cám ơn Được cám ơn : 4

Bài gửiTiêu đề: Ảnh hưởng của tự nhiên - xã hội tới văn hoá Trung Quốc cổ đại và phong kiến

 
Điều kiện tự nhiên và xã hội có tác động lớn tới các thành tựu văn hóa của Trung Quốc. Các thành tựu văn hóa đều là sự diễn tả, phảnh ánh những điều kiện tự nhiên và xã hội. Mặt khác, những thành tựu văn hóa cũng có tác động ngược trở lại đối với các điều kiện tự nhiên và xã hội. Hay nói cách khác, điều kiện tự nhiên, xã hội và những thành tựu văn hóa có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại với nhau. Điều đó được minh chứng cụ thể trong văn học, hội họa, và kiến trúc của Trung Quốc cổ trung đại.
Nói đến thơ ca Trung Quốc thời kỳ này phải kể đến thơ Đường. Thơ Đường là một loại thơ đặc biệt được xuất hiện ở thời kỳ nhà Đường. Hậu thế bắt trước kế thừa, học tập. Nó là một nét văn hóa của các bậc tao nhân mặc khách, của các bậc vua chúa hay chữ yêu thơ.
Với một sự nghiêm ngặt về nghệ thuật, phong phú về nội dung, thơ Đường xuất hiện ở thời kỳ nhà Đường là hợp lý lô gíc. Vì nhà Đường (618 – 907), đặc biệt là từ thế kỷ VII – VIII là thời kỳ hưng thịnh, phát triển nhất của chế độ phong kiến Trung Hoa. Nhà Đường khi mới lên đã có một chính sách rất tiến bộ là chế độ quân điền, vì thế ước mơ ngàn đời của người nông dân đã được thực hiện. Nhà Đường đã điều hòa được mâu thuẫn giai cấp, do đó đất nước thanh bình, vắng các cuộc khởi nghĩa của nông dân.
Ngoài ra nhà Đường mới lập, sự thối nát chưa bộc lộ, tính tích cực còn được biểu hiện rất rõ rệt. Vì thế giới quý tộc còn đảm đương được chức năng của một nhà nước phong kiến phương Đông. Mối quan hệ kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị của nhà Đường rất rộng rãi đối với các nước láng giềng. Cơ cấu tổ chức nhà nước, trình độ căn minh nhà Đường trở thành khuôn mẫu của các nước phương Đông. Với cơ chế ấy nhà Đường đã bộc lộ là một đế chế hùng cường vào bậc nhất trên thế giới lúc bấy giờ. Bởi thế kinh tế rất phát triển. Nông nghiệp kho vẫn đầy, ngân khố phong phú vì liên tiếp được mùa, nông dân no đủ sống tran hòa với nhau và với thiên nhiên. Các trí thức, quý tộc có điều kiện du ngoạn, thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên. Điều đó bộc lộ trong đời sống tinh thần là nhu cầu thơ phú, họa, nhạc rất phong phú, sôi động. Thơ Đường vừa phản ánh nhu cầu của tầng lớp trí thức, quý tộc thời Đường, đồng thời cũng là sản phẩm của thượng tầng kiến trúc.
Thi nhân chịu tác động của ngoại cảnh là tự nhiên và xã hội, cùng với cảm xúc của mình đã sáng tác nên những tác phẩm thơ ca. Do đó trong thơ ca xuất hiện hình ảnh thiên nhiên rất rõ nét, và cũng có những bài phản ánh hiện thực rất rõ nét.
Thiên nhiên có bốn mùa: Xuân, hạ, thu, đông, thì thơ ca cũng có bốn mùa. Mỗi mùa đều có những nét đặc trưng riêng, được phản ánh sinh động: Mùa xuân cây cối đâm chồi nảy lộc, mùa hè kết quả, mùa thu rụng lá, và mùa đông ủ mầm.
Nói đến mùa xuân là nói đến mùa ấm áp, khi hậu thật mát dịu trong lành. Bầu trời xanh, mây trắng, nắng hồng. Mùa xuân là mùa cây cối đâm chồi nảy lộc. Hàng ngàn loại hoa đua nhau khoe sắc dưới ánh nắng xuân chan hòa khắp nơi. Bên những đóa hoa xuân khoe màu trong nắng, những đàn bướm tung tăng lượn qua lượn lại như muốn tỏ tình. Xuân đến ở trên đồi cao bằng những bông nắng vàng tơ nở rộ, xuân đến với đồng xanh với những khúc sáo nghê thường véo von, xuân đến trên dòng sông với sóng nước bập bềnh loáng bạc mênh mang. Xuân đến như hơi thở ngọt ngào, như nhịp tim đập tự nhiên của đất trời …
Thi sĩ Mạnh Hạo Nhiên đã mở cõi lòng ra phơi bày một cảnh sắc mùa xuân vào một buổi sáng thật sống động khi vừa thức giấc bằng mắt thấy tai nghe với những hình ảnh xuân ấm áp nồng nàn tràn đầy hương sắc dạt dào của hoa nở và thanh âm êm dịu của tiếng chim ca. Nhà thơ đã đi từ cõi mộng, bước ra khỏi “giấc xuân” để cảm nhận một mùa xuân trong thực tại hiện hữu của hương hoa thơm ngát và ngọt lành tiếng chim. Và sau khi cảm nhận được cái đẹp xuân của thiên nhiên vũ trụ, hoà nhập với cảnh sáng mùa xuân, nhà thơ đã nhắc cho chúng ta biết rằng đâu phải xuân chỉ mới đến sáng nay, mà xuân đã đến tự đêm qua với mưa rơi và gió thổi để mà thương tiếc thầm cho những cánh hoa đã tàn rơi đêm qua … giữa khung cảnh thiên nhiên chan chứa hương vị thiền trong sáng :
Xuân miên bất giác hiểu
Xứ xứ văn đề điểu
Dạ lai phong vũ thanh
Hoa lạc tri đa thiểu
(Xuân hiểu)
Giấc xuân không buồn thức,
Khắp nơi chim ríu rít.
Đêm qua gió mưa về,
Hoa rụng nhiều hay ít?
(Mùa xuân ban mai. Lâm Xương Diệu dịch)
Mùa xuân trong Đường Thi là bức tranh thủy mạc màu sắc hài hòa, có những nhà thơ tả cảnh thiên nhiên núi sông cây cỏ hoa bướm bằng những nét chấm phá đơn sơ, mộc mạc, nhưng đó là những gam màu pha trộn của một nghệ thuật hội họa tinh vi và sâu sắc. Bằng những tầm mắt xa rộng, họ đã cho chúng ta thấy cái huyền diệu của thiên nhiên vũ trụ bao la, của hương vị Thiền và Đạo man mác, của sự thư thái và an nhàn để mà suy tư về sự vô thường và hữu hạn của cuộc đời . Những hình ảnh linh động và âm thanh dạt dào trong ngôn từ tinh vi cô động đã biểu hiện cảm xúc chân thành, và gợi lên những liên tưởng thâm thúy và tư duy mẫn cảm. Hãy lắng nghe tiếng chim kêu lanh lảnh bên khe suối mùa xuân của thi sĩ Vương Duy :
“Nhân nhàn quế hoa lạc
Dạ tĩnh xuân sơn không
Nguyệt xuất kinh sơn điểu
Thời minh xuân giản trung”
(Điểu minh giản)
(Chim hót trong khe
Người nhàn hoa quế rụng
Đêm vắng núi xuân không
Trăng tỏ động chim núi
Khe xuân chợt hót vang)
(Bản dịch của Vũ Thế Ngọc)
Tại Việt Nam, các thi nhân cũng đua nhau tả cảnh xuân về trên đất Việt. Hình ảnh mùa xuân rõ nét nhất là mấy câu thơ thật trong sáng và nhẹ nhàng của thi sĩ Nguyễn Du trong tác phẩm truyện Kiều:
“Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.”
Những cánh chim én có thực rộn ràng bay lượn giữa bầu trời mùa xuân trong sáng. Mùa xuân hiện ra như một bức tranh có màu sắc tuyệt diệu, hài hoà. Thảm cỏ xanh làm nền cho bức tranh xuân, trên cái nền ấy điểm một vài bông hoa lê trắng. Màu xanh và sắc trắng tôn vinh lẫn nhau tạo ra một bức tranh xuân sống động, mới mẻ, tinh khiết và tràn đầy sức sống.
Tâm trạng của con người phả vào thiên nhiên, tác động tới cái nhìn cảnh vật trong thiên nhiên, từ đó thể hiện niềm vui, nỗi buồn qua từng lời thơ, ý thơ. Mùa xuân về, cây lá đâm chồi nảy lộc, vạn vật tươi vui sắc thắm, nhưng cũng làm cho thi nhân có một chút chạnh lòng. Cái sầu cũng từ đó mà sinh ra. Trước hết, đó là niềm sầu cho cảnh chia li, cách trở. Mà sầu hơn cả là sự chia lìa của đôi uyên ương trong lúc cảnh xuân và tình xuân đang phơi phới. Ta bắt gặp điều này trong tâm trạng của người thiếu phụ ở bài “Khuê oán” của Vương Xương Linh:
“ Khuê trung thiếu phụ bất tri sầu
Xuân nhật ngưng trang thướng thuý lâu
Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc
Hối giao phu tế mịch phong hầu”
( Trẻ trung nàng biết chi sầu
Ngày xuân trang điểm lên lầu ngắm gương
Nhác trông vẻ liễu bên đường
Phong hầu nghĩ dại, xui chàng kiếm chi )
(Tản Đà dịch)
Người thiếu phụ vắng chồng trong ngày xuân, chỉ cần thấy sắc xanh trở màu non tơ của cây dương liễu mà lòng đã dợn lên những đợt sóng tình dồn dập. Và, nàng cảm thấy hối tiếc vì những ngày mùa xuân, những năm tháng tuổi xuân đầy đam mê và sức sống lại không được ở bên chồng chỉ vì một lời ủng hộ chàng ra trận tuyến. Một nỗi tiếc nuối, một chút sầu thoáng hiện rất thực, rất đời thường nhưng đậm chất nhân văn.
Nếu như mùa xuân được miêu tả với cảnh sắc tinh tế, không khí mát dịu trong lành, với chồi non, lộc biếc, chim ca, thì mùa hè hoa sen lại trở thành biểu tượng trong thơ ca, là nguồn cảm hứng cho các thi nhân. Lý Bạch đã miêu tả hình cảnh hoa sen trong một khung cảnh nên thơ, trữ tình với nắng, với gió, với đáy nước long lanh, và với những chàng trai, cô gái. Tất cả đã tạo nên một bức tranh mùa hè chan hòa cảnh sắc thiên nhiên và con người đầy tình tứ:
“Nhược Gia khê bàng thái liên nữ
Tiếu cách hà hoa cộng nhân ngữ
Nhật chiếu tân trang thuỷ để minh
Phong phiêu hương duệ không trung cử
Ngạn thượng thuỳ gia du dã lang
Tam tam ngũ ngũ ánh thuỳ dương
Tử lưu tê nhập lạc hoa khứ
Kiến thử trì trù không đoạn trường.”
(Thái liên khúc nhị thủ)
Mùa thu, cái thời tiết lãng mạn trữ tình của thiên nhiên cũng đã trở thành đề tài tuyệt diệu vô tận trong kho tàng văn chương nghệ thuật của nhân loại. Nó đã tạo nên bao nhiêu thi hào, thi bá lỗi lạc Đông Tây kim cổ. Những bài thơ ca ngợi mùa thu của Lý Bạch, Vương Duy, Lưu Vũ Tích, Giả Đảo, Thôi Hiệu, Vương Hàn, Đỗ Phủ... cho đến bây giờ chúng ta có dịp đọc lại vẫn cảm nhận cái thâm hậu, kỳ tuyệt cao khiết biết dường nào. Đêm thu, trăng lặn, quạ kêu, sương đầy trời, hàng phong bên sông, ngọn lửa thuyền chài hắt hiu, nửa khuya tiếng chuông chùa ngân nga làm rung động sóng nước, Trương Kế đã viết nên bài thơ để đời:
“Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền”
(Phong Kiều Dạ Bạc)
Nói đến mùa thu trong Đường thi không thể không nói tới “Thu hứng” của Đỗ Phủ:
“Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm,
Vu Sơn, Vu Giáp khí tiêu sâm.
Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng,
Tái thượng phong vân tiếp địa âm.
Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ,
Cô chu nhất hệ cố viên tâm.
Hàn y xứ xứ thôi đao xích,
Bạch Đế thành cao cấp mộ châm.”
(Thu hứng)
(Lác đác rừng phong hạt móc sa,
Ngàn non hiu hắt, khí thu loà.
Lưng trời sóng rợn lòng sông thẳm,
Mặt đất mây đùn cửa ải xa.
Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ,
Con thuyền buộc chặt mối tình nhà.
Lạnh lùng giục kẻ tay đao thước,
Thành Bạch, chầy vang bóng ác tà.)
(Nguyễn Công Trứ dịch)
Hình ảnh rừng phong gợi lên một vẻ thu, một sắc thu tiêu điều, buồn bã. Rừng phong là một biểu tượng của mùa thu phương Bắc. Hai câu đầu, hình ảnh ẩn dụ và nhân hoá với 2 cặp từ gợi tả (điêu thương, tiêu sâm). Đỗ Phủ đã làm hiện lên một không gian núi rừng mang một màu sắc buồn thương tàn tạ, hiu hắt. Câu 3, 4 vẽ tiếp cảnh thu bằng hai hình ảnh vừa dữ dội vừa hoành tráng: Trên dòng sông thu, những đợt sóng cuồn cuộn vọt lên, vỗ lên tận lưng trời. Khắp cửa ải, mây từng lớp từng lớp đùn lên, sa sầm giáp mặt đất. Hình tượng thơ kỳ vĩ, sóng và mây đối nhau, cái hướng về trời cao, cái sa xuống đất để lại nhiều ấn tượng mạnh mẽ. Một bức tranh thu nói về dòng sông và con sóng, về cửa ải và mây, mang tầm vóc vũ trụ, hoành tráng.
"Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng,
Tái thượng phong vân tiếp địa âm"
Phần 2 bài "Thu hứng" này là nỗi lòng u ẩn của tác giả. Cúc, dòng lệ, con thuyền lẻ loi (cô chu), vườn cũ, dao thước, tiếng chày đập vải vừa mang tính hiện thực, vừa mang màu sắc ước lệ tượng trưng, rất giàu chất chữ tình. Mùa thu trước, Đỗ Phủ ở Vân An, mùa thu này, ông ở Quỳ Châu. Hai mùa thu trôi qua, hai lần nhìn hoa cúc nở, cả hai đều rơi nước mắt: "Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ". Đã bao lần nhà thơ gửi gắm hi vọng được về quê bằng một chiếc thuyền, những chiếc thuyền vẫn bị buộc chặt ở bến sông, nơi đất khách quê người: "Cô chu nhật hệ cố viên tâm". Nói về nỗi nhớ quê nhà, nỗi buồn li hương thì đó là hai câu thơ tuyệt cú. Lời thơ đẫm lệ:
"Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ
Con thuyền buộc chặt mối tình nhà"
Trời thu phương Bắc càng về chiều càng rét, nhất là những người luống tuổi, đang ốm đau và phải sống xa quê như Đỗ Phủ những năm cuối đời. Nghĩ đến chuyện may áo rét mà lòng thêm sầu thương. Hai chữ "dao thước" (đao xích) trong câu 7 tả ít mà gợi nhiều. Lúc hoàng hôn nơi thành cao Bạch Đế, tiếng chày đập vải dồn dập vang lên (cấp mộ châm) nỗi lòng kẻ li hương càng thêm thổn thức. Tiếng vọng của âm thanh đời thường đã rung lên trong lòng nhà thơ bao cảm xúc bùi ngùi:
"Hàn y xứ xứ thôi đao xích
Bạch Đế thành cao cấp mộ châm"
(" Lạnh lùng giục kẻ tay dao thước,
Thành Bạch chày vang bóng ác tà").
Bước sang mùa đông cây cối ủ mầm để sang xuân đua nhau đâm chồi khoe sắc, cảnh sắc còn lại chỉ là tuyết trắng phủ đầy. Bằng đôi mắt nghệ sĩ tinh tế, ngập tràn cảm xúc, nhà thơ Cao Biền đã vẽ nên một bức tranh thơ nhẹ nhàng tình tứ, chập chùng mộng ảo, giữa hư và thật "trúc xanh mà cứ tưởng là quỳnh mơ" mang âm hưởng nhạc khúc sầu man mác, làm trùng lòng người xem. Nhà thơ đã có cảm thụ sâu sắc, mượn hình ảnh thiên nhiên để biểu đạt cái cảnh ngộ của bản thân và như muốn thổ lộ tâm sự riêng tư :
“Tuyết bay lả tả sân nhà
Trúc xanh mà cứ tưởng là quỳnh mơ
Lầu cao ngắm cảnh nên thơ
Đường quanh co tuyết phủ mờ nhân gian”
(Đối Tuyết - Cao Biền)
Các hiện tượng trong đời sống xã hội cũng tác động tới thơ ca. Thơ ca phản ánh những gì đang diễn ra trong đời sống hiện thực. Đỗ Phủ đã tập trung miêu tả những cảnh bất công trong xã hội, miêu tả cảnh nghèo khổ và những nỗi oan khuất của nhân dân lao động, vạch trần sự áp bức bóc lột và xa xỉ của giai cấp thống trị. Ví dụ trong bài thơ “Từ kinh đô về huyện Phụng Tiên” ông đã miêu tả tỉ mỉ với dụng ý tố cáo cảnh xa hoa, phè phỡn của Đường Huyền Tông, Dương Quý Phi và cả tập đoàn quý tộc ở Ly Sơn với những câu:
“Bóng đèn ngọc chập chờn sáng rực
Quan Vũ lâm chầu chực đông sao!
Vua tôi sung sướng xiết bao
Kẻ ra bàn tắm người vào bàn ăn
……………………………………..
Làn mây khói llồng che mắt ngọc
Những nàng tiên ngang dọc thềm trong
Áo cừu điêu thử người dùng
Đàn vang sáo thét, não nùng sướng tai
Móng dò ninh người xơi rỉm rót
Thêm chanh chua, quất ngọt, rượu mùi.”
Nhưng tiếp sau đó ông nêu lên cảnh trái ngược trong xã hội:
“Cửu son rượu thịt để ôi
Có thằng chết lả xương phơi ngoài đường”
(Doãn Kế Thiện dịch)
Bạch Cư Dị cũng đi theo con đường sáng tác của Đỗ Phủ, đã làm nhiều bài thơ nói lên nỗi khổ cực của nhân dân và lên án giai cấp thống trị. Ví dụ lên án sự ức hiếp tàn nhẫn của các quan lại đối với nhân dân trong việc thu thuế, trong bài “Ông già Đỗ lăng” ông đã viết:
“Quan trên biết rõ mà không xét,
Thúc lấy đủ tô cầu lập công.
Bán đất cầm giâu nộp cho đủ,
Cơm áo sang năm trông vào đâu?”
(Doãn Kế Thiện dịch)
Trong văn xuôi, mà tiêu biểu là tiểu thuyết Minh – Thanh, thì hiện thực xã hội đương đại còn được thể hiện rõ nét hơn và sinh động hơn rất nhiều.
Truyện “Thủy Hử” kể lại cuộc khởi nghĩa nông dân của Lương Sơn Bạc do Tống Giang lãnh đạo. Qua tác phẩm này, tác giả không những đã thuật lại rõ ràng quá trình diễn biễn của cuộc khởi nghĩa, mà còn hết sức ca ngợi tài trí và sự dũng cảm của các vị anh hùng nông dân, do đó thời Minh – Thanh tác phẩm này bị liệt vào loại sách cấm. Tác phẩm có tác dụng cổ vũ rất lớn đối với sự đấu tranh của nông dân chống lại sự áp bức bóc lột của giai cấp phong kiến.
“Tam Quốc chí diễn nghĩa” bắt nguồn từ câu chuyện ba người Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi kết nghĩa ở vườn đào lưu truyền trong dân gian. Nội dung miêu tả cuộc đấu tranh về quân sự, chính trị phức tạp giữa ba nước Ngụy, Thục, Ngô.
“Nho lâm ngoại sử” đả kích chế độ thi cử đương thời và mỉa mai những cái xấu xa của tầng lớp trí thức dưới chế độ thi cử đó.
“Hồng lâu mộng” viết về câu chuyện hưng suy của một gia đình quý tộc phong kiến và câu chuyện yêu đương giữa một đôi thiếu niên, nhưng qua đó, tác giả đã vẽ nên bộ mặt của xã hội phong kiến Trung Quốc trong giai đoạn suy tàn. Bằng cách xây dựng cho hai nhân vật chính của tác phẩm là Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc tính cách chống chế độ thi cử, chế độ quan trường, đạo đức và lễ giáo phong kiến, khát vọng tự do và hạnh phúc, đồng thời dành cho những người bị coi là thấp kém những tâm hồn cao đẹp và tình cảm chân thành, tác giả đã đánh trực tiếp và khá mạnh vào hệ ý thức của giai cấp phong kiến lúc bấy giờ. Vì vậy Hồng lâu mộng được đánh giá là tác phẩm có giá trị nhất trong kho tàng văn học hiện thực cổ điển Trung Quốc.
Không chỉ có trong thơ ca, văn xuôi, mà tự nhiên còn được phản ánh trong hội họa. Những bức tranh về hoa, điểu cầm, muông thú, cây cối, phong cảnh...đã trở thành những biểu tượng đẹp. Thí dụ: trúc là quân tử, mai là giai nhân, cây tùng và chim hạc ngụ ý trường thọ, cá là niềm ao ước một cuộc sống dư dật.
Mai, lan, cúc, trúc thường được gộp chung thành một cụm, xem như biểu tượng của bậc quân tử, nên cũng được gọi là «tứ quân tử»
Không chỉ hoa, mà quả cũng mang ý nghĩa biểu tượng nữa. Chẳng hạn quả đào tượng trưng sự trường thọ, quả lựu tượng trưng cho sự đông con cái, quả phật thủ tượng trưng cho phúc, quả quít tượng trưng sự tốt lành
Hoa thường được vẽ chung với điểu. Chim hạc tượng trưng cho sự trường thọ. Người Trung Quốc tin rằng hạc sống đến ngàn năm. Hạc thường được vẽ chung với cây tùng (cũng ngụ ý trường thọ).
Một bức tranh với đôi én hoặc một bức tranh với cặp hồng nhạn (vịt trời) hay đôi uyên ương bơi lội trong ao sen chính là biểu tượng tình nghĩa vợ chồng, gia đình khang lạc….
Năm 520, Đạt Ma Tổ Sư của Phật giáo Ấn Độ đã đến Trung Quốc (đời vua Lương Võ Đế), từ đó thiền đã mọc rễ và lớn mạnh ở đây. Xã hội có sự thay đổi, tiếp nhận một hiện tượng mới thì hội họa cũng chịu sự tác động mới. Thiền đã thổi vào nền hội họa truyền thống một luồng sinh khí mới. Cách thể nghiệm thiền “minh tâm kiến tánh” là nguồn cảm hứng bất tận cho người nghệ sĩ.
Những đặc điểm nổi bật của thiền họa là sự đơn giản tối đa tưởng chừng phi nghệ thuật, sự hướng nội, sự trống trải đầy gợi ý, sự viên mãn trong bất toàn, và được thể hiện theo phong các đặc biệt: tiết giảm nét bút và chừa nhiều khoảng trống trên giấy. Đường nét của thiền họa là cái gì bất toàn, nó bất chấp luật phối cảnh và luật vẽ bóng. Điều cốt yếu là cái thần của sự vật phải thể hiện được trên giấy, do đó nét bút phải sống động như là nhịp đập của một sinh thể.
Thiền là bất nhị pháp môn đột phá cái thế nhị nguyên đối lập để giải thoát nhân sinh. Tư tưởng nhất nguyên phá chấp ấy chính là căn bản đạo pháp thiền. Những sắc độ đậm nhạt tượng trưng cho từng mức độ hóa giải, và tất cả những đen trắng đậm nhạt ấy trong từng nét bút đã thể hiện một sự vật nào đó tưởng chừng vô nghĩa như gốc cây, cục đá, cành hoa, con chim trên cành, ngọn lau trĩu tuyết… nhưng lại chuyển tải được sự sống mà không cần giảng giải. Một đoá huệ nở cô đơn hay một cánh sen lay trong gió là hình ảnh sống động của một tâm hồn thuần phác nguyên sơ trong cơn giông tố cuộc đời. Một lá thuyền câu bé nhỏ trên mặt nước mênh mông cho ta ấn tượng sâu sắc hình ảnh biển cả bao la và sự hiện hữu một tâm hồn sâu kín hòa nhập với cuộc sống vĩnh hằng vô ngại giữa nhịp sóng đời dâu biển. Tất cả những kỳ diệu sâu kín này lại tựu thành trong sự dung dị và phi nỗ lực.
Thiền họa không phải là chụp hình, mô phỏng hay sao chép một thực thể. Một nét chấm hay một đường cong không tượng trưng cho con chim hay ngọn núi, mà nét chấm đó chính là con chim, đường cong đó chính là ngọn núi, bởi vì thiền họa phải là sáng tạo. Một sự vật trong tranh thiền phải giống thực mà không giống thực, phải viên mãn mà dường như khiếm khuyết. Người nghệ sĩ buông xả mọi nỗ lực chụp hình nguyên dạng sự vật, mà sáng tạo một sinh thể ngoài sự tưởng tượng của chúng ta. Thái độ của nghệ sĩ thiền họa đối với nghệ thuật cũng là thái độ của thiền đối với cuộc sống. Đó là lý do tại sao hầu hết các tác giả của tranh thiền đều là thiền sư hay thiền sinh. Thiền họa khước từ màu sắc, bởi vì màu sắc gợi nên một thực thể trong thiên nhiên mà thiền họa thì không chấp nhận một sự tái hiện nào dù hoàn toàn hay bất toàn. Thiền họa cũng không cho phép sự trì hoãn. Trì hoãn có nghĩa là thay đổi, là vỡ mộng, là toan tính, là lý sự, là câu thúc mà đó không phải là tinh thần của thiền họa. Bước vào cõi tranh thiền là bước vào thế giới u mặc đầy gợi ý.
Như vậy có thể thấy, hội họa cũng chịu sự chi phối của tự nhiên, xã hội. Hay nói cách khác, tự nhiên, xã hội cũng là những đề tài của hội họa Trung Hoa.
Một thành tố nữa của văn hóa cũng thể hiện rõ mối quan hệ với tự nhiên và xã hội đó là kiến trúc.
Do lãnh thổ rộng lớn, có nhiều dạng địa hình khác nhau, có nhiều dân tộc khác nhau, và có nhiều tôn giáo khác nhau, nên Trung Quốc có nền kiến trúc rất đa dạng và độc đáo.
Trước tiên phải kể đến là kiến trúc nhà ở Trung Quốc. Đây là loại kiến trúc cơ bản nhất, xuất hiện sớm nhất, phân bố rộng nhất, số lượng nhiều nhất. Do môi trường tự nhiên và tình hình nhân văn các khu vực Trung Quốc khác nhau, kiến trúc nhà ở các nơi cũng thể hiện bộ mặt đa dạng hoá.
Dòng chính kiến trúc nhà ở truyền thống ở khu vực dân tộc Hán Trung Quốc là nhà ở kiểu quy củ, tiêu biểu là Tứ Hợp Viện Bắc Kinh áp dụng bố cục đối xứng qua trục chính. Tứ Hợp Viện Bắc Kinh chia làm nhà trước và nhà sau, nhà chính giữa là nơi kính trọng và sùng bái nhất, đây là nơi tổ chức lễ nghi gia đình, tiếp đón khách quý, các nhà ở đều có cửa hướng vào sân giữa, có hành lang nối với nhau. Tứ Hợp Viện Bắc Kinh đã thể hiện quan niệm tôn pháp và chế độ gia đình thời cổ Trung Quốc, nhưng khu nhà rộng vuông vắn, yên lặng thân thiết, hoa lá, cây cỏ ngăn nắp, là không gian sinh hoạt ngoài trời rất lý tưởng. Kiến trúc nhà ở vùng Hoa Bắc, Đông Bắc phần lớn là khu nhà rộng rãi như vậy.
Kiến trúc nhà ở của miền nam Trung Quốc khá chặt chẽ, nhiều nhà tầng, nhà ở điển hình là nhà hướng vào sân có diện tích nhỏ hình chữ nhật. Kiểu nhà ở này bên ngoài vuông vắn, chất phác đơn giản.
Ngoài ra, còn nhiều kiểu nhà ở của các vùng, các dân tộc khác nhau, như: Thổ Lâu (nhà lầu đất) ở tỉnh Phúc Kiến được xây bằng đất sét, cát đá, mảnh gỗ, nối liền với nhau thành một cụm kiến trúc thành quách mang tính phòng ngự khép kín; Kiến trúc nhà ở vùng dân tộc thiểu số phần lớn là nhà mái bằng, tường đất, đá, gỗ, một đến ba tầng, bên ngoài có vườn vây quanh; vùng trung và thượng du sông Hoàng Hà miền bắc Trung Quốc có khá nhiều nhà hang….
Kiến trúc còn chịu sự ảnh hưởng của các tôn giáo, nên thời kỳ này có nhiều công trình chùa chiền, am, miếu, điện…của phật giáo, đạo giáo, nho giáo. Chùa Huyền Không nằm ở huyện Hồn Nguyên tỉnh Sơn Tây là một ngôi chùa độc đáo hợp nhất ba tôn giáo Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo hiện còn tồn tại ở Trung Quốc.
Trung Quốc cổ trung đại là xã hội phong kiến, do đó kiến trúc cung điện rất phát triển. Kiến trúc cung điện còn gọi là kiến trúc cung đình, là kiến trúc quy mô to lớn, khí thế hùng vĩ được xây dựng nhằm củng cố sự thống trị, nêu bật sự uy nghiêm hoàng quyền, thoả mãn sự hưởng thụ cuộc sống tinh thần và cuộc sống vật chất của nhà vua. Những kiến trúc này phần lớn đều vàng ngọc lấp loáng, nguy nga lộng lẫy.
Bắt đầu từ đời nhà Tần, “Cung” trở thành nơi ở của nhà vua và hoàng tộc, cung điện trở thành nơi xử lý công việc triều đình của nhà vua. Đặc trưng điển hình kiến trúc cung điện Trung Quốc là mái cong nhà lớn, lợp ngói chất men màu vàng, có tranh tô màu đẹp, có hình ô vuông trên trần nhà chạm khắc công phu, có thềm đá ngọc trắng đời Hàn, có tường lan can, trụ cột, cùng các kiến trúc nhỏ xung quanh. Điện Thái Hoà Cố Cung Bắc Kinh là kiến trúc cung điện điển hình.
Để thể hiện sự tối cao vô thượng của hoàng quyền, biểu hiện quan niệm đẳng cấp cốt lõi là hoàng quyền, kiến trúc cung điện thời cổ Trung Quốc áp dụng phương thức bố cục đối xứng qua trục chính: Kiến trúc xây trên trục chính cao lớn lộng lẫy, kiến trúc hai bên cạnh thì thấp nhỏ và đơn giản hơn. Bản thân kiến trúc cung điện thời cổ cũng chia làm hai phần, tức “Tiền triều hậu tẩm”: “Tiền triều” tức là nơi làm việc của nhà vua, “Hậu tẩm” là nơi nghỉ ngơi của nhà vua, hoàng hậu và các cung tần mỹ nữ.
Kiến trúc cung điện Trung Quốc với tiêu biểu là Cố Cung Bắc Kinh. Cố cung còn gọi là Tử Cấm Thành, là cung đình của các nhà vua hai đời Minh, Thanh, tất cả có 24 nhà vua sống ở nơi đây. Cố Cung có diện tích 720 nghìn mét vuông, có hơn 9 nghìn ngôi nhà, chung quanh Cố Cung là tường thành màu đỏ cao mấy mét, chu vi dài hơn 3400 mét, bên ngoài là sông hộ thành.
Cố Cung chia làm hai phần trước sau, phần trước là nơi nhà vua tổ chức các buổi lễ long trọng, ban bố sắc lệnh, kiến trúc chính có điện Thái Hoà, điện Trung Hoà, điện Bảo Hoà. Những kiến trúc này đều được xây trên nền cao 8 mét xây bằng đá ngọc trắng đời nhà Hán, nhìn xa trông như Quỳnh Cung Tiên Khuyết trong thần thoại, phần sau của Cố Cung—“Nội đình” là nơi ở xử lý công việc của vua và nơi ở của các hậu và phi, kiến trúc chính có cung Càn Thanh, cung Khôn Ninh, vườn Ngự Uyển v.v đều mang đậm hơi thở cuộc sống, kiến trúc có vườn hoa, nơi đọc sách, mái đình, non bộ v.v, chúng tự tạo thành khu vườn nhà.
Như vậy có thể thấy, điều kiện tự nhiên và xã hội tác động trực tiếp tới kiến trúc của Trung Quốc. Từ vật liệu xây dựng là đất, đá, gỗ, đến các kiểu nhà ở khác nhau đều thể hiện sự chi phối của điều kiện tự nhiên, chi phối của tư tưởng tôn giáo. Đặc biệt, kiến trúc cung điện là thể hiện rõ nét nhất tư tưởng xã hội thời kỳ này. Đó là kiến trúc theo nho giáo, vận dụng thuyết phong thủy, nhằm bảo vệ, tôn vinh, củng cố quyền uy tuyệt đối của tập đoàn phong kiến thống trị.
Từ việc nêu và phân tích những dẫn chứng cụ thể trong văn học, hội họa, kiến trúc trên, ta thấy rõ mối quan hệ giữa những yếu tố xã hội, điều kiện tự nhiên và những thành tựu văn hóa trong lịch sử Trung Quốc cổ trung đại. Đó là mối quan hệ biện chứng, khăng khít, không thể tách rời. Tự nhiên, xã hội tác động tới khả năng nhận biết và ứng sử của con người, từ đó con người sáng tạo ra những thành tựu văn hóa phù hợp với tự nhiên, phản ánh đúng bản chất của xã hội. Tuy nhiên, thông qua những thành tựu đó, con người cũng biết nhìn nhận lại cách ứng xử của mình với tự nhiên và xã hội; biết nâng niu, chân trọng những gì tự nhiên ban tặng, đồng thời biết cải tạo tự nhiên; biết sống nhân ái với nhau, đồng cảm, chia sẻ những khó khăn, nhưng đồng thời lên án những áp bức, bất công trong xã hội, hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Chữ ký của phangxehana





Ảnh hưởng của tự nhiên - xã hội tới văn hoá Trung Quốc cổ đại và phong kiến I_icon_minitimeWed Apr 06, 2011 9:36 pm

Thanhsamkhach
Tôi yêu sử và tôi yêu văn. Cho tôi tâm hồn, cho tôi ý chí. Có nhiều lúc ngã lòng rơi lệ. Vịn câu thơ tôi đứng dậy mà đi

Thành viên năng động

Thanhsamkhach

Thành viên năng động

Vai trò trong CLB Sử học Trẻ Vai trò trong CLB Sử học Trẻ : Thành viên năng động
Ngày tham gia Ngày tham gia : 22/07/2010
Tổng số bài gửi Tổng số bài gửi : 511
Sở trường/ Sở thích Sở trường/ Sở thích : Tôi yêu sử và tôi yêu văn. Cho tôi tâm hồn, cho tôi ý chí. Có nhiều lúc ngã lòng rơi lệ. Vịn câu thơ tôi đứng dậy mà đi
Điểm thành tích Điểm thành tích : 679
Được cám ơn Được cám ơn : 106

Bài gửiTiêu đề: Re: Ảnh hưởng của tự nhiên - xã hội tới văn hoá Trung Quốc cổ đại và phong kiến

 
Nói tới văn hoá TQ phải kể tới Triết học tiên Tần, Hán văn, Đường thi, Tống từ và Minh Thanh tiểu thuyết
Bài viết này mới đề cập đến 2 trong số ngũ tuyệt nói trên
Tuy nhiên thế cũng tốt lắm rồi. Chú ý có thể bạn sẽ bị coi là có tư tưởng thân Tàu đó nha
Chữ ký của Thanhsamkhach




 

Ảnh hưởng của tự nhiên - xã hội tới văn hoá Trung Quốc cổ đại và phong kiến

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
CLB Sử Học Trẻ Việt Nam :: VĂN HOÁ NGHỆ THUẬT :: Văn hóa nghệ thuật thế giới-
________________________________________________________________________
Copyright ©2007 - 2009, Forumotion
Suhoctre ©2007- 2009 Phát triển bởi thành viên Diễn đàn
BQT Diễn đàn: Châu Tiến Lộc - Nguyễn Thị Trang - Phạm Ngọc Thạch

Sáng lập viên : Châu Tiến Lộc, Nguyễn Hùng Sơn, Nguyễn Thái Bình
Email : suhoctre@gmail.com - Forum : http://suhoctre.no1.vn
Xem trang web này tốt nhất với độ phân giải 1024x768 (hoặc cao hơn) với Firefox 3.0


Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất