CLB Sử Học Trẻ Việt Nam
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


CLB Sử Học Trẻ Việt Nam
 
Latest imagesTrang ChínhĐăng kýĐăng Nhập
DIỄN ĐÀN SỬ HỌC TRẺ - Điểm hẹn của những người đam mê Sử học từ khắp mọi miền Tổ quốc.
Most Viewed Topics
Chữ viết ở Đông Nam Á
Nguyễn Ái Quốc những hoạt động chủ yếu từ 1919-1930 và vai trò đối với CMVN
Tại sao giai cấp nông dân không thể là giai cấp lãnh đạo cách mạng?
Nguyên nhân chính của cao trào 30-31 là nguyên nhân nào ??
Điều lệ của Câu lạc bộ Sử học Trẻ; Nội quy của Forum Suhoctre
TỔ CHỨC BỘ MÁY NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT THỜI NGÔ - ĐINH - TIỀN LÊ
Tư sản dân quyền
Đặc điểm con người nhà văn Nam Cao
phong trào cách mạng 1936-1939 có mang tính dân tộc hay không?
Đặc điểm của cuộc cách mạng tư sản Anh thế kỉ XVII:

Share | 

 

 VAI TRÒ CUẢ HỒ CHÍ MINH SAU THÀNH LẬP ĐẢNG TỚI 1939

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
VAI TRÒ CUẢ HỒ CHÍ MINH SAU THÀNH LẬP ĐẢNG TỚI 1939 I_icon_minitimeWed Apr 06, 2011 12:14 pm

phangxehana
lịch sử

Thành viên cấp 1

phangxehana

Thành viên cấp 1

Họ & tên Họ & tên : Nguyẽn Thị Én
Ngày tham gia Ngày tham gia : 11/10/2010
Tổng số bài gửi Tổng số bài gửi : 32
Đến từ Đến từ : Nam Định
Sở trường/ Sở thích Sở trường/ Sở thích : lịch sử
Điểm thành tích Điểm thành tích : 68
Được cám ơn Được cám ơn : 4

Bài gửiTiêu đề: VAI TRÒ CUẢ HỒ CHÍ MINH SAU THÀNH LẬP ĐẢNG TỚI 1939

 
1. Đối với Đảng Cộng sản Đông Dương
Từ ngày 3 đến ngày 7 tháng 2 năm 1930, Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản Việt Nam. Người còn soạn thảo chính cương vắn tắt, sách lược vắn tắt, điều lệ vắn tắt của Đảng và được Hội nghị thông qua.
Các tác phẩm, các văn kiện của Hội nghị thành lập Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, là sự kế thừa và kết tinh những quan điểm lý luận mà Nguyễn Ái Quốc đã nêu lên trong Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ và Đường cách mệnh. Với sự ra đời của các tác phẩm này, đường lối và phương pháp, chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam - nhất là của cách mạng giải phóng dân tộc, tính chất và nguyên tắc tổ chức Đảng - đội tiền phong của giai cấp công nhân Việt Nam đã được hình thành và từng bước cụ thể hoá. Đây thực sự là Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, có ý nghĩa chỉ đạo đối với toàn bộ quá trình cách mạng, nhất là cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Việt Nam. Các tác phẩm này thể hiện tinh thần cách mạng triệt để và sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc khi kết hợp lý luận với thực tiễn, nhất là vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào việc giải quyết mối quan hệ dân tộc và giai cấp trong cách mạng giải phóng dân tộc theo con đường của cách mạng vô sản. Thắng lợi của cách mạng Việt Nam, trước hết là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đã chứng minh tính khoa học và cách mạng của những tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc trong các tác phẩm quan trọng này.
Ngay sau khi thành lập Đảng, Người đã gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước đóng góp xây dựng Đảng. Tiếp đó Người liên tiếp gửi rất nhiều thư tới các Đảng Cộng sản thế giới, như: Mỹ, Anh, Đức…, gửi cho Quốc tế Cộng sản, và nhằm tranh thủ sự giúp đỡ, ủng hộ của các cá nhân, tổ chức…
Ngày 18 tháng 2, nhân sự kiện lịch sử thành lập Đảng, Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản Viết Lời kêu gọi gửi công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên, học sinh và tất cả đồng bào bị áp bức, bóc lột.
Mở đầu Người viết:
“ Nhận chỉ thị của Quốc tế Cộng sản giải quyết vấn đề cách mạng ở nước ta, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ và thấy có trách nhiệm phải gửi tới anh chị em và các đồng chí lời kêu gọi này”.
Sau khi tố cáo sự bóc lột và vô nhân đạo của đế quốc Pháp, Người kêu gọi “ Từ nay anh chị em chúng ta cần phải gia nhập Đảng, ủng hộ Đảng và đi theo Đảng” để đánh đổ đế quốc Pháp, phong kiến Việt Nam và giai cấp tư sản phản cách mạng, làm cho nước Việt nam được độc lập, thành lập chính phủ công – nông – binh, đem lại mọi quyền tự do cho nhân dân.
Cùng ngày Nguyễn Ái Quốc viết báo cáo (bằng tiếng Anh) gửi Quốc tế Cộng sản.
Sau báo cáo có kèm Lời kêu gọi gửi công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên và tất cả đồng bào bị áp bức, bóc lột. Cuối cùng là mấy dòng tái bút với chữ ký tắt N.A.K.
Ngày 27 tháng 2, Người viết một số bức thư: Thư gửi đại diện Tổng liên đoàn lao động thống nhất Pháp ở Quốc tế Công hội, yêu cầu “ hỏi Đảng bộ về việc gửi các báo và tạp chí cho Đảng chúng tôi. Đồng thời gửi cho chúng tôi một tờ báo tư sản của nước các đồng chí để cãi với cảnh sát nếu chúng phát hiện chúng tôi nhận báo chí cộng sản”; Thư gửi văn phòng đại diện Đảng Cộng sản Đức ở Quốc tế Cộng sản xin một giấy chứng nhận là phóng viên báo Die Welt (thế giới); Thư gửi đại diện Đảng Cộng sản Pháp ở Quốc tế Cộng sản, thông báo “Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thành lập”, yêu cầu “cho chúng tôi một tủ sách”. Người đề nghị các đồng chí Pháp “cho chúng tôi biết tên những con tàu chạy đường Pháp – Viễn Đông trên đó có các đồng chí Pháp làm việc và cho chúng tôi biết tên những đồng chí đó để chúng tôi có thể bắt liên lạc với họ”, yêu cầu trường Đại Học Phương Đông “không nhận các đại biểu hoặc học sinh Việt Nam nào không có sự giới thiệu của Đảng Cộng Sản Việt Nam”. Coi như bước đầu hợp tác giữa hai Đảng, Người đề nghị “Đảng Cộng sản Pháp công bố một bức thư góp ý kiến với Đảng Cộng sản Việt Nam và ra lời kêu gọi lính Pháp ở Đông Dương”. Cuối thư, Người đề nghị các đồng chí Pháp công bố trên báo L'Humanite' và tờ Inpre'corr lời kêu gọi nhân dịp thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; ngoài ra còn có Thư gửi đồng chí Sôta; Thư gửi Quốc tế công hội đỏ; Thư gửi Văn phòng Đảng Cộng sản Mỹ ở Quốc tế Cộng sản.
Ngày 28 tháng 2, Người lại viết Thư gửi Văn phòng đại diện Đảng Cộng sản Anh ở Quốc tế Cộng sản đề nghị gửi cho Người báo Lavie Ouvriere và tạp chí của Quốc tế công hội đỏ.
Cuối tháng 4, Nguyễn Ái Quốc tới Đông – Bắc nước Xiêm và báo cho các đồng chí ở đây biết các nhóm Cộng sản ở Việt Nam đã thống nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam…
Mặc dù hoạt động ở nước ngoài, nhưng Người vẫn luôn theo sát tình hình hoạt động của Đảng ở trong nước và đưa ra những ý kiến chỉ đạo, góp ý cho sự tổ chức hoạt động của Đảng.
Khoảng tháng 5 tháng 6 năm 1930, trong bức thư gửi cho Nguyễn Lương Bằng, Người dặn: “Phong trào bây giờ lên khá cao, công việc của đồng chí thì nhiều, một mình làm không xuể. Phương tiện cũng ít ỏi. Muốn đẩy mạnh công tác, phải có sưh giúp đỡ của Đảng anh em. Người Cộng sản bất kỳ hoạt động ở nước nào cũng phải chịu sự lãnh đạo của Đảng ở đấy”.
Tháng 8 năm 1930, Người tham dự cuộc họp mặt các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Đỗ Ngọc Du, Lưu Quốc Long, Hồ Tùng Mậu…tại Thượng Hải để góp ý về công tác vận động binh lính. Người căn dặn: “…Phải khơi lòng yêu nước của mọi người. Đối với anh em binh lính, ta nên kêu gọi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, rồi chuyển sang kêu gọi lòng yêu nước, thương nòi…”
Ngày 20 tháng 4 năm 1931, Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong thư Người phê bình về cuộc Hội nghị Xứ ủy Trung và Bắc trong “cách khai hội”, “cách thảo luận”, trong “vấn đề công tác”, “vấn đề tên Đảng”, “lực lượng của Đảng”.
Người đề nghị Đảng phải sửa chữa những thiếu sót đó, phải có chương trình hành động cụ thể cho từng huyện, từng tỉnh, cho mỗi đồng chí trong mỗi tổ chức, và yêu cầu “tất cả mọi đảng viên và tất cả các chi bộ phải thảo luận Chỉ thị của Quốc tế thứ ba và Nghị quyết của Trung ương”.
Thư có kèm theo một bảng thống kê số lượng đảng viên, chi bộ, đoàn thanh niên, công hội, nông hội, phụ nữ trong 13 tỉnh, huyện. Qua bảng thống kê này, Người chỉ ra “năm nơi có nông hội rất yếu”, ở Trung kỳ chưa có chỗ nào tổ chức được công nhân nông nghiệp, ở Bắc kỳ “chỉ có hai tỉnh là có Công hội”…
Từ tháng 2 – 1939, Nguyễn Ái Quốc viết nhiều bài dưới tiêu đề: “Thư từ Trung Quốc“, tập trung nêu lên họa xâm lược của bọn phátxít Nhật ở Trung Quốc và các quốc gia châu Á, đồng thời nêu rõ những hoạt động phá hoại của bọn Tờrốtxkít ở Trung Quốc, qua đó gián tiếp báo động về những hoạt động của chúng ở Việt Nam, nhằm nhắc nhở, giáo dục cán bộ, đảng viên nâng cao tinh thần cảnh giác, không thoả hiệp với chúng trong bất cứ vấn đề nào. Cùng với những bài báo, Nguyễn Ái Quốc còn gửi thư cho Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, trực tiếp truyền đạt tinh thần Nghị quyết Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, nêu những ý kiến về đường lối, chủ trương của Đảng trong thời kỳ thực hiện Mặt trận dân chủ Đông Dương:
- Về khẩu hiệu đấu tranh: Lúc này Đảng không nên đưa ra những đòi hỏi quá cao, như độc lập dân tộc mà chỉ nên đòi các quyền dân chủ, tự do hội họp, tự do tổ chức,… đấu tranh để Đảng được hoạt động hợp pháp.
- Về công tác mặt trận: Phải ra sức tổ chức Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi, bao gồm cả những người Pháp tiến bộ ở Đông Dương và giai cấp tư sản dân tộc. “Tránh hết sức để họ ở ngoài Mặt trận, vì như thế là đẩy họ rơi vào tay bọn phản động, là tăng thêm lực lượng cho chúng”.
- Về vai trò lãnh đạo của Đảng: “Đảng không thể đòi hỏi Mặt trận thừa nhận quyền lãnh đạo của mình, mà phải tỏ ra là một bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thực nhất. Chỉ trong đấu tranh và công tác hằng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng, thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo”.
- Về giáo dục nội bộ: “Đảng phải đấu tranh không nhân nhượng chống tư tưởng bè phái, và phải tổ chức học tập có hệ thống chủ nghĩa Mác – Lênin để nâng cao trình độ văn hoá và chính trị cho các đảng viên. Phải giúp đỡ cán bộ không đảng phái nâng cao trình độ”.
- Về quan hệ quốc tế: “Phải duy trì quan hệ chặt chẽ với Đảng Cộng sản Pháp”, “với Mặt trận nhân dân Pháp”, vì mặt trận này “có thể giúp rất nhiều cho ta”.
Sau đó, Người báo cáo Quốc tế Cộng sản những ý kiến về đường lối mà Người đã truyền đạt cho Trung ương Đảng ta và tình hình công việc của Người trong 9 tháng qua như: làm phiên dịch tin tức, viết sách nói vềKhu vực đặc biệt, và một số bài báo phản ánh những biến cố chính trị, quân sự ở Trung Quốc.
2. Hồ Chí Minh với phong trào Cách mạng 1930 – 1931 và đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Với các phong trào cách mạng ở Việt Nam – Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc luôn quan tâm sâu sắc, thường trực, thường xuyên.
Ngày 5 tháng 3 năm 1930, Nguyễn Ái Quốc viết một tài liệu (bằng tiếng Anh) nhan đề Phong trào cách mạng ở Việt Nam, trình bày phong trào yêu nước từ khi đế quốc Pháp xâm lược cho đến khi thành lập Đảng, tố cáo sự đàn áp dã man của chính quyền thuộc địa, ca ngợi tinh thần đấu tranh cách mạng của nhân dân và chỉ ra một số thiếu sót của các tổ chức yêu nước, kể cả các tổ chức cộng sản.
Cuối tài liệu Người khẳng định; “chúng ta có thể tin tưởng chắc chắn rằng với kinh nghiệm và lòng hy sinh, với quần chúng oqr bên cạnh, những người cộng sản nhất định sẽ chiến thắng”.
Ngày 20 tháng 9, Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản báo cáo về những cuộc đấu tranh từ ngày 11 đến ngày 17 tháng 9 của nông dân Thanh Chương, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Can Lộc, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Gia Định, Chợ Lớn, Tân An.
Người khẩn thiết yêu cầu “các đồng chí làm những việc có thể được để giúp đỡ các nạn nhân cuộc đàn áp đẫm máu”.
Ngày 5 tháng 11, Nguyễn Ái Quốc lại viết thư gửi Quốc tế Nông dân (bằng tiếng Pháp) báo cáo về phong trào nông dân từ tháng 5 đến tháng 10 – 1930 ở 7 tỉnh: Gia Định, Chợ Lớn, Vĩnh Long, Sa Đéc, Bến Tre, Thủ Dầu Một, Mỹ Tho và hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh: “Mặc dầu bị đàn áp dã man, phong trào vẫn tiếp tục phát triển” ở một số làng đỏ, xôviết nông dân đã được thành lập.
Cuối thư, Người yêu cầu “Quốc tế nông dân có thể giúp đỡ gấp cho các nạn nhân bị khủng bố”.
Ngày 24 tháng 1 năm 1931, Nguyễn Ái Quốc viết bài Phong trào cách mạng ở Đông Dương (bằng tiếng Anh), ký tên Victo. Bài viết tổng kết tình hình năm 1930 bằng những số liệu cụ thể, trong đó Người thống kê, phân tích, phân loại các cuộc đấu tranh liên tiếp của các tầng lớp nông dân, công nhân, học sinh, phụ nữ…Đông Dương.
Người tố cáo những tội ác của đế quốc Pháp như: bắt bớ, tàn sát hàng loạt người, đốt phá, hủy diệt nhiều làng mạc và cả những thủ đoạn gây hỏa hoạn, bỏ thuốc độc xuống giếng nước để khủng bố những địa phương có phong trào cách mạng.
Người kết luận: “ Tình hình Đông Dương là như thế. Nhiệm vụ cấp thiết của giai cấp vô sản thế giới đặc biệt là giai cấp vô sản khác là đưa bàn tay hữu nghị anh em và giúp đỡ tới Đông Dương, chứng tỏ tình đoàn kết thực sự và tích cực, Đông Dương bị áp bức và cách mạng cần đến bàn tay ấy!”
Người có nhiều bài viết về phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh và chính sách khủng bố trắng dã man, tàn bạo của thực dân Pháp gửi tới Quốc tế Cộng sản, gửi cho các báo và đặc biệt gửi cho Đảng Cộng sản Pháp…để tranh thủ sự ủng hộ của thế giới với phong rào 1930 – 1931 và Xô Viết Nghệ Tĩnh. Đồng thời gây dư luận Quốc tế đoàn kết đấu tranh ngăn chặn bàn tay đẫm máu của thực dân Pháp.
Ngày 19 tháng 2, Nguyễn Ái Quốc viết bài Nghệ - Tĩnh đỏ (bằng tiếng Pháp), ký tên V. Bài viết có ba phần, đánh dấu I, II, III.
Phần I, giới thiệu sơ qua về tình hình địa lý, nhân văn, kinh tế, và truyền thống cách mạng của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Kết thúc phần I, Người viết: Nghệ - Tĩnh thật xứng đáng với danh hiệu “đỏ”!
Phần II, trình bày những hình thức đấu tranh cách mạng của nhân dân Nghệ - Tĩnh những ngày cuối năm 1930 đầu năm 1931, đặc biệt là cuộc lễ “Đỏ” tổ chức ở làng Lộc Đa, cách Vinh 2 km.
Phần III, Vạch rõ thủ đoạn nham hiểm của đế quốc Pháp trong việc ép nhân dân tham gia các cuộc biểu tình phản cách mạng nhằm lừa bịp dư luận.
Thông qua những báo cáo của Người, Quốc tế Cộng sản nắm được tình hình phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam. Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản đánh giá cao cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân ta, (đặc biệt là Xôviết Nghệ Tĩnh) dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng thời đánh giá công lao, uy tín của Nguyễn Ái Quốc thời kỳ này. Tại phiên họp ngày 11-4-1931, Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản nhất trí quyết nghị: Công nhận Đảng Cộng sản Đông Dương từ nay là một chi bộ độc lập thuộc Quốc tế Cộng sản.
3. Thời kỳ 1933 – 1935
Đầu năm 1933, Nguyễn Ái Quốc đã có mặt ở Liên Xô. Người dự Đại hội lần thứ 7 Quốc tế Cộng sản (từ ngày 25 tháng 7 đến ngày 20 tháng 8 năm 1935), nhưng không được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương của Quốc tế Cộng sản. Đại diện của Việt Nam tại Ban Chấp hành này là Lê Hồng Phong. Theo tài liệu của một số nhà sử học, Người bị ép buộc phải ở lại Liên Xô và bị giam lỏng (hoặc nói nhẹ hơn là bị kỷ luật), do bị nghi ngờ về lý do Người được nhà cầm quyền Hương Cảng trả tự do. Thời kỳ này NGười phụ trách chung những người cộng sản Việt Nam và theo học khóa ngắn hạn tại trường Lênin là trường Đảng cao cấp dành cho các lãnh tụ cộng sản nước ngoài (1934-1935). Năm 1935, Người được bầu làm đại diện của Đảng Cộng sản Đông Dương bên cạnh Quốc tế Cộng sản. Ít nhất Người có hai tên gọi trong thời kì ở Liên Xô: ở trường Lênin Người lấy tên là Li Nốp, đối với nhóm học sinh ở Viện nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa Người lấy tên là Lin.
Trong những năm 1931-1935, Người đã bị Trần Phú và sau đó là Hà Huy Tập phê phán về đường lối cải lương, không đúng đường lối đấu tranh giai cấp của Quốc tế Cộng sản. Hà Huy Tập đã viết trên tạp chí Bônsơvích (số 8/12-1934):
"...chúng ta không được quên những tàn tích quốc gia chủ nghĩa của Nguyễn Ái Quốc và những chỉ thị sai lầm của đồng chí ấy về những vấn đề căn bản của phong trào cách mạng tư sản dân quyền và những lý luận cơ hội của đồng chí ấy bám rễ vào đầu óc của phần đông đồng chí chúng ta, giống như những tàn tích tư sản vẫn sống dai dẳng trong đầu óc những hội viên Thanh Niên, Tân Việt và Vừng Hồng.
Nguyễn Ái Quốc không hiểu được những chỉ thị của Quốc tế cộng sản; không hợp nhất được ba tổ chức cộng sản từ trên xuống dưới... Tài liệu Sách lược vắn tắt của Đảng và Điều lệ của Đảng hợp nhất không theo đúng chỉ thị của Quốc tế cộng sản. Ngoài ra Nguyễn Ái Quốc còn chủ trương một sách lược cải lương và hợp tác: "trung lập tư sản và phú nông", "liên minh với địa chủ nhỏ và vừa", v.v. Vì những sai lầm đó, nên từ tháng Giêng đến tháng Mười năm 1930, Đảng Cộng sản Đông Dương đã đi theo một chiến lược có nhiều điểm trái với những chỉ thị của Quốc tế cộng sản, tuy trong thực tế đã lãnh đạo quần chúng kiên quyết đấu tranh cách mạng."
Lý do Nguyễn Ái Quốc bị phê phán trong bức thư nêu trên là vì tổ chức Đệ Tam Quốc tế có những tư tưởng thiên về hướng tả, không đúng đắn, cùng lắm thì cũng thiếu thực dụng đối với hoàn cảnh của các xứ nằm dưới chế độ thực dân thời bấy giờ. Nói cách khác, Đệ Tam Quốc tế cho rằng, trong đấu tranh giai cấp thì tất cả các lực lượng không thuộc về giai cấp vô sản đều phải bị chống đối. Theo nhìn nhận của Giáo sư Nguyễn Quang Thắng thì quan điểm thiên về hướng tả của Đệ Tam Quốc tế như sau: Chống đế quốc, chống phong kiến, chống tư sản, chống tôn giáo, chống lực lượng xã hội dân chủ. Chống tất cả, chỉ độc có công nông là cách mạng mà thôi (…). Quốc tế Cộng sản hừng hực khí thế xông lên, tưởng là cách mạng nhưng kỳ thực không phải vậy.
Trong khi nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc thì đề cao chủ nghĩa dân tộc, Người cho rằng: Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước. Chính nó đã gây nên cuộc nổi dậy chống thuế năm 1908, nó dạy cho những người culi biết phản đối, nó làm cho những người “nhà quê” phản đối ngầm trước thuế tạp dịch và thuế muối. Cũng chủ nghĩa dân tộc đã luôn luôn thúc đẩy các nhà buôn An Nam cạnh tranh với người Pháp và người Trung Quốc; nó đã thúc giục thanh niên bãi khóa, làm cho những nhà cách mạng trốn sang Nhật Bản và làm vua Duy Tân mưu tính khởi nghĩa năm 1917.
Có thể thấy ở thời kỳ nào, phong trào cách mạng Việt Nam dù lên hay xuống, Nguyễn Ái Quốc vẫn quan tâm, vận động cổ vũ nhân dân trong nước và nhân dân quốc tế ủng hộ cách mạng Việt Nam.
Những hoạt động của Người đã góp phần duy trì phong trào, khôi phục cơ sở tổ chức Đảng và phong trào cách mạng, ngăn chặn bàn tay đế quốc.
4. Thời kỳ 1936 – 1939
Thời kỳ này có sự chuyển biến lớn của tình trong nước và thế giới:
Hậu quả trầm trọng của cuộc khủng hoảng kinh tế trong những năm 1929-1933 và tình trạng tiêu điều tiếp theo trong các nước thuộc hệ thống tư bản chủ nghĩa đã làm cho mâu thuẫn nội tại của chủ nghĩa tư bản thêm gay gắt và phong trào cách mạng của quần chúng dâng cao.
ở một số nước, giai cấp tư sản lũng đoạn không muốn duy trì nền thống trị bằng chế độ dân chủ tư sản đại nghị như cũ, nên đã âm mưu dùng bạo lực để đàn áp phong trào đấu tranh trong nước và ráo riết chạy đua vũ trang, chuẩn bị phát động một cuộc chiến tranh thế giới mới. Chủ nghĩa phátxít xuất hiện và thắng thế ở một số nơi, như phátxít Hítle ở Đức, phátxít Phrăngcô ở Tây Ban Nha, phátxít Mútxôlini ở Italia và phái Sĩ quan trẻ ở Nhật Bản. Chế độ độc tài phátxít được thiết lập là một nền chuyên chính khủng bố công khai của những thế lực phản động nhất, sôvanh nhất, đế quốc chủ nghĩa nhất của tư bản tài chính. Chúng xóa bỏ mọi quyền tự do dân chủ tư sản cổ truyền, đàn áp tiêu diệt mọi lực lượng và tổ chức chính trị đối lập, thực hành chính sách xâm lược, bành trướng và nô dịch các nước khác. Tập đoàn phátxít cầm quyền ở Đức, ý và Nhật đã liên kết với nhau thành khối "Trục", ráo riết chuẩn bị chiến tranh để chia lại thế giới. Chúng nuôi mưu đồ tiêu diệt Liên Xô, thành trì cách mạng thế giới, hy vọng đẩy lùi phong trào cách mạng vô sản đang phát triển mạnh mẽ trong nước chúng. ở Pháp các thế lực phản động tập hợp trong tổ chức Thập tự lửa (Croix de feu) gồm khoảng 20.000 tên có vũ trang, âm mưu lật đổ chế độ đại nghị dân chủ, thiết lập nền độc tài phátxít. Nguy cơ chủ nghĩa phátxít và chiến tranh thế giới đe doạ nghiêm trọng nền hòa bình và an ninh quốc tế.
Trong thời gian này, các đảng cộng sản đã ra sức phấn đấu lập mặt trận nhân dân rộng rãi chống chủ nghĩa phátxít. Mặt trận nhân dân Tây Ban Nha, Mặt trận thống nhất chống phátxít của nhân dân Trung Quốc lần lượt được thành lập. Đặc biệt, Mặt trận nhân dân Pháp chống phátxít thành lập từ tháng 5-1935 do Đảng Cộng sản Pháp làm nòng cốt, đã giành được thắng lợi vang dội trong cuộc tổng tuyển cử năm 1936, đưa đến sự ra đời một chính phủ tiến bộ, Chính phủ Mặt trận nhân dân Pháp. Thắng lợi đó đã tạo ra không khí chính trị thuận lợi cho cuộc đấu tranh đòi các quyền tự do, dân chủ, cải thiện đời sống của nhân dân các nước trong hệ thống thuộc địa của đế quốc Pháp trong đó có Đông Dương.
ở nước ta, hậu quả kéo dài của cuộc khủng hoảng kinh tế 1929-1933 đã tác động sâu sắc không những đến đời sống của những giai cấp và tầng lớp nhân dân lao động, mà còn đến cả những nhà tư sản, địa chủ hạng vừa và nhỏ. Trong khi đó, bọn cầm quyền phản động ở Đông Dương vẫn ra sức vơ vét bóc lột và khủng bố, phong trào đấu tranh của nhân dân ta, làm cho bầu không khí chính trị và kinh tế hết sức ngột ngạt. Mọi tầng lớp xã hội đều mong muốn có những cải cách dân chủ. Đảng Cộng sản Đông Dương đã phục hồi sau một thời kỳ đấu tranh cực kỳ gian khổ, kịp thời lãnh đạo nhân dân ta bước vào một thời kỳ mới.
Mùa hè 1936, cùng với việc chuẩn bị cho các đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai và Hoàng Văn Nọn về nước, Người đã căn dặn và nhấn mạnh việc hai đồng chí nhất định phải chuyển đến đồng chí Lê Hồng Phong ba ý kiến quan trọng sau:
a. Ban Chấp hành Trung ương cần sớm chuyển về trong nước để chỉ đạo phong trào.
b. Phải củng cố sự đoàn kết vững chắc trong đảng, giữa bộ phận trong nước và nước ngoài, kiên quyết không được thoả hiệp với bọn Tờrốtxkít.
c. Thành lập cho được Mặt trận dân tộc dân chủ, thu hút mọi lực lượng yêu nước tán thành cuộc đấu tranh vì dân sinh, dân chủ nhưng không được hy sinh quyền lợi của Đảng và giai cấp.
Nguyễn Ái Quốc đã viết rất nhiều thư để xin phân công công việc ở Quốc tế Cộng sản. Kết thúc khoá học tại Trường Quốc tế Lênin, Người được nhận vào công tác tại Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa ở nhà số 25, đại lộ Tvécxkaia, Mátxcơva. Cuối năm 1936, Người trúng tuyển vào lớp nghiên cứu sinh, ngành lịch sử của Viện. Giữa năm 1937, Người dự kỳ thi học kỳ I của lớp nghiên cứu sinh đạt kết quả tất cả các môn học, trong đó có môn đạt điểm xuất sắc. Tuy nhiên, khi Chiến tranh thế giới thứ hai ngày một lan rộng, lò lửa chiến tranh ở khu vực Thái Bình Dương xuất hiện, Nguyễn Ái Quốc không thể yên tâm ngồi học để hoàn thành luận án, Người nóng lòng được trở về nước hoạt động.
Để thực hiện nguyện vọng của mình, ngày 6-6-1938, Người (ký tên Lin) gửi thư cho Quốc tế Cộng sản bày tỏ nguyện vọng về nước hoạt động. Nữ đồng chí Vaxiliêva, Trưởng khoa Phương Đông, đặc trách khu vực Đông Dương của Ban Phương Đông, Quốc tế Cộng sản đã ủng hộ nguyện vọng của Nguyễn Ái Quốc và viết thư đề nghị Ban Bí thư Quốc tế Cộng sản ủng hộ nguyện vọng của Người, trong đó ghi rõ: “Đồng chí Lin là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, là người có uy tín lớn trong Đảng Cộng sản Đông Dương, nay từ đây về thì Đảng sẽ chăm chú lắng nghe những ý kiến của đồng chí ấy”.
Quốc tế Cộng sản đã tổ chức một cuộc họp bí mật, trong đó có sự tham gia của các đồng chí G. Đimitrốp, Tổng Bí thư Quốc tế Cộng sản và đồng chí Vaxin Côlarốp ra chỉ thị về công tác cho Nguyễn Ái Quốc. Sau đó, Quốc tế Cộng sản đã ra Quyết định số 60 (mật): “Sinh viên mang số hiệu 19 (Lin) từ ngày 29-9-1938 đã rời khỏi biên chế của Viện (về nước)”.
Có thể thấy, Nguyễn Ái Quốc luôn luôn có tư tưởng về nước để làm cách mạng. Người trực tiếp gửi ý kiến chỉ đạo của mình cho Đảng Cộng sản Đông Dương. Những ý kiến của Người hết sức đúng đắn, phù hợp với cách mạng Việt Nam – Đông Dương lúc bấy giờ.
Đầu tháng 10-1938, Người đáp xe lửa từ Mátxcơva đi về phương Đông. Vượt qua biên giới Xô – Trung, Nguyễn Ái Quốc đến Urumsi rồi đi Lan Châu. Tại đây, Người được Văn phòng Bát lộ quân chuẩn bị cho một chứng minh thư Trung Quốc, mang tên Hồ Quang, cấp bậc thiếu tá.
Nguyễn Ái Quốc trở lại Trung Quốc trong bối cảnh tình hình có nhiều thay đổi: Đảng Cộng sản Trung Quốc lập lại Mặt trận thống nhất, hợp tác với Quốc dân Đảng cùng chống Nhật. Từ Lan Châu, Người đã đi Tây An theo đường dây của Đảng Cộng sản Trung Quốc, sau đó đến Diên An – căn cứ đầu não của 18 vạn quân cách mạng và 9 khu giải phóng ở Hoa Bắc và Hoa Trung. Sau hai tuần ở Diên An, Nguyễn Ái Quốc quay lại Tây An, đi xuống Quảng Tây, tìm cách về gần Tổ quốc. Dừng chân tại Quế Lâm (Quảng Tây), Nguyễn Ái Quốc, với bí danh Hồ Quang, làm việc tại Văn phòng Bát lộ quân (đóng ở 96, đường Trung Sơn Bắc, Quế Lâm), đồng thời tìm cách liên lạc với trong nước.
Trong thời gian này, Người viết nhiều báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản, như: Về những chỉ thị mà tôi có thể nhớ và truyền đạt lại (năm 1939); Báo cáo gửi Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản (tháng 7-1939), báo cáo về tình hình hiện tại của mình, về tình hình chính trị ở Đông Dương từ năm 1936-1938; Báo cáo gửi Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản (tháng 7-1940), nêu những thông tin về địa lý, dân tộc, đồng thời khẳng định chỉ có Đảng Cộng sản là chính đảng chân chính, có tính chất toàn quốc và tính chất quần chúng”, thông báo về tình hình của bản thân và tình hình chính trị ở Đông Dương.
Tháng 2-1939, Nguyễn Ái Quốc rời Quế Lâm, tham gia lớp huấn luyện du kích tại Nam Nhạc thuộc Hành Dương, tỉnh Hồ Nam. Sau 7 tháng ở Hồ Nam, khoảng sau ngày 20- 9-1939, Nguyễn Ái Quốc rời Hồ Nam trở về Quế Lâm và đi Long Châu (một huyện nằm ở biên giới Việt – Trung, tỉnh Quảng Tây) để bắt liên lạc với người từ trong nước sang, nhưng không gặp được. Không bắt được liên lạc với đại diện của Trung ương, trong khoảng thời gian từ tháng 10-1939 đến cuối tháng 11-1939, Người di chuyển liên tục (Quế Lâm – Liễu Châu- Long Châu - Quý Dương – Côn Minh – Trùng Khánh). Tại Trùng Khánh, Nguyễn Ái Quốc thường đến Văn phòng Bát lộ quân đóng tại thôn Hồng Nham và gặp gỡ Chu Ân Lai.
Tất cả các hoạt động của Người đều tập chung cho việc chuẩn bị đường lối cách mạng mới, chuẩn bị nghị quyết trung ương 8, chuẩn bị cho việc thành lập mặt trận Việt Minh, đào tạo cán bộ. Đồng thời Người luôn theo dõi, nắm bắt tình hình chiến tranh và phong trào chống phát xít ở Trung Quốc và thế giới để thông báo về trong nước, rút kinh nghiệm để tổ chức đấu tranh có hiệu quả.
Người về nước viết nhiều bài báo đăng trên tờ “Tiếng nói của chúng ta” của Đảng Cộng sản Đông Dương, để tố cáo tội ác và âm mưu phản động của phát xít Nhật; bồi dưỡng lòng yêu nước, căm thù quân xâm lược và nâng cao cảnh giác không mắc âm mưu của Nhật Bản.
Người rút ra những kinh nghiệm xây dựng mặt trận thống nhất chống Nhật dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc để chuẩn bị xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất chống phát xít ở Việt Nam. Đồng thời tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm đánh du kích, chống phát xít Nhật của nhân dân Trung Quốc cho Đảng và nhân dân ta.
=> Nhận xét giai đoạn những năm 1930
Có thể nhận xét rằng cho tới giai đoạn này, ngoại trừ hoạt động khi thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương vào đầu năm 1930, vai trò của Người trong quá trình ra quyết định ở hàng ngũ lãnh đạo cộng sản cũng như sự tham gia trực tiếp vào các sự kiện liên quan đến những người cộng sản tại Việt Nam là không nhiều. Tuy nhiên, từ thập niên 1920, các tác phẩm chính trị cũng như báo chí do Người viết đã được chuyển về nước. Trong thời kì Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936-1939), Người có viết báo và gửi bài về in trên tờ Notre Voix - tờ báo công khai của Đảng bằng tiếng Pháp - dưới bút danh P.C. Lin. Một trong những việc mà Người thường làm mỗi khi có sự kiện xảy ra ở Việt Nam là viết thư đề nghị hoặc báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản, nhưng kết quả của những tác động đó là hạn chế do điều kiện khách quan. Khi khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra, Người - khi này đang ở Trung Quốc và chỉ biết tin qua báo chí - đã viết một bức điện với nội dung rằng thời cơ hành sự chưa chín, nhẽ ra không thể tiến hành khởi nghĩa vũ trang, nhưng khi chuyện đã rồi thì cần rút lui cho khéo nhằm duy trì được phong trào. Nhưng bức điện này không chuyển đi được.
IV. Ý nghĩa lịch sử hoạt động của Nguyễn Ái Quốc
Mặc dù có những khó khăn cản trở, nhưng Nguyễn Ái Quốc vẫn theo sát tình hình cách mạng Việt Nam. Người có đóng góp trong nhiều mặt:
+ Xây dựng Đảng vững mạnh, đưa Đảng qua những khó khăn, thoát khỏi những sai lầm, đưa ra những chủ trương cách mạng ngày càng đúng đắn, sáng suốt.
+ Đóng góp tích cực cho phong trào cách mạng 1930 – 1931, mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh. Vận động nhân dân tiến bộ trên thế giới và Quốc tế Cộng sản ủng hộ cách mạng Việt Nam.
+ Người trực tiếp đưa ra chủ trương, đường lối cách mạng cho cao trào cách mạng 1936 – 1939.
Những hoạt động tích cực của Người cho phong trào cách mạng Việt Nam đã góp phần to lớn, tác động trực tiếp tới đường lối đấu tranh cách mạng. Từ năm 1930 đến năm 1939, tuy chưa phải là thời kỳ trực tiếp đấu tranh vũ trang giải phóng dân tộc, nhưng để “dự bị điều kiện” cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong phạm vi cả nước “chắc chắn sẽ nổ ra” như lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định từ năm 1924, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành đấu tranh cách mạng sôi nổi.
Từ trong cao trào cách mạng 1930 - 1931, đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh, những hoạt động vũ trang đầu tiên có tính chất quần chúng đã xuất hiện. Đội tự vệ Đỏ - mầm mống của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam ra đời. Những nguyên tắc xây dựng Đội tự vệ về chính trị cũng như về quân sự đã được Đảng đề ra rất cơ bản, toàn diện; phản ánh sâu sắc quan điểm giai cấp, quan điểm quần chúng, quan điểm thực tiễn, phù hợp với hoàn canh đấu tranh chính trị hồi đó. Đồng thời, Đảng ta đã ra nhiều Nghị quyết về quân sự. Trong thời kỳ 1930-1939, đường lối quân sự của Đảng từng bước hình thành, bao gồm những quan điểm chủ yếu:
Đảng khẳng định: khởi nghĩa vũ trang là phương thức cơ bản để giành chính quyền về tay nhân dân. Đảng “lãnh đạo quần chúng võ trang bạo động’. Khi phát động khởi nghĩa vũ trang, nhất thiết phải căn cứ vào “tình thế trực tiếp cách mạng ‘, phải theo “khuôn phép nhà binh”; có kế hoạch chu đáo, tổ chức chặt chẽ, kỷ luật nghiêm minh, thời gian chuẩn xác trong việc phót hợp hành dộng khi khởi nghĩa nổ ra.
Đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang là sự nghiệp của quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Quan điểm này được nêu chính xác, rõ ràng trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng (2-1930). Hội nghị Trung ương Đảng tháng 10-1930 nhấn mạnh đến giai cấp công nông, chưa thấy hết khả năng cách mạng của các tầng lớp khác, nhưng đến tháng 7-1936, Đảng ta đã điều chỉnh lại, chủ trương “liên hiệp hết các giai cấp trong toàn dân tộc bị áp bức tranh đấu theo tư tưởng Cương lĩnh đầu tiên của Đảng". Quan điểm này là cơ sở tư tưởng của đường lối khởi nghĩa toàn dân, kháng chiến toàn dân, quốc phòng toàn dân sau này.
Nhiệm vụ chính trị quyết định nhiệm vụ quân sự. Chủ trương xây dựng quân đội công nông theo tư tưởng Cương lĩnh đầu tiên của Đảng (2-1930) và tổ chức “bộ quân sự của Đảng’ chính là để thực hiện nhiệm vụ chính trị do Đảng xác định. Đây là quan điểm quan trọng hàng đầu trong đường lối quân sự của Đảng.
Đảng nêu rõ quan điểm về xây dựng Đội tự vệ. Đảng khẳng định: các lực lượng vũ trang cách mạng khi được thành lập đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng. Đây là vấn đề bản chất giai cấp công nhân, là nội dung cơ bản nhất của quan điểm xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng của Đảng.
Khẳng định còn chủ nghĩa tư bản, đế quốc thì còn chiến tranh. Phản đối chiến tranh đế quốc, ủng hộ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, coi trọng công tác vận động binh lính trong hàng ngũ đối phương, ra sức tuyên truyền, lôi kéo họ sang phe cách mạng.
Trước hoạ xâm lăng của phát xít Nhật, Đảng nêu rõ quan điểm phòng thủ Đông Dương một cách tích cực, chủ động, chuẩn bị lực lượng đối phó thắng lợi với kẻ thù mới là phát xít Nhật.
Như vậy có thể thấy, trong bất kỳ thời giai đoạn lịch sử nào, bất kỳ hoàn cảnh nào, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh cũng luôn có những hoạt động tích cực cho phong trào cách mạng thế giới nói chung và cách mạng Việt Nam – Đông Dương nói riêng.
Những hoạt động đó đã đóng góp to lớn cho cách mạng về mọi mặt, từ đào tạo cán bộ đảng viên đến tuyên truyền, cổ động, vận động quần chúng nhân dân tiến bộ trên thế giới ủng hộ cách mạng Việt Nam….
Người còn tích cực hoạt động nhằm tăng cường tình đoàn kết đấu tranh giữa các dân tộc bị áp bức trên thế giới, tạo sức mạnh để cách mạng thành công. Người chuẩn bị chu đáo về lý luận cách mạng, có sự chỉ đạo về sự chuyển hướng đấu tranh cho phù hợp với từng thời kỳ lịch sử.
Đến tháng 10-1939, tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh và đường lối quân sự của Đảng đã hình thành. Đó là cơ sở tư tưởng lý luận soi sáng cho cách mạng Việt Nam bước vào thời kỳ mới trực tiếp đấu tranh vũ trang, đồng thời là nền móng vững chắc để Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh trong giai đoạn trực tiếp lãnh đạo khởi nghĩa vũ trang; bổ sung phát triển trong thời kỳ chiến tranh nhân dân đưa cách mạng đến thắng lợi hoàn toàn.

Chữ ký của phangxehana




 

VAI TRÒ CUẢ HỒ CHÍ MINH SAU THÀNH LẬP ĐẢNG TỚI 1939

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
CLB Sử Học Trẻ Việt Nam :: TRI THỨC PHỔ THÔNG :: Lịch sử-
________________________________________________________________________
Copyright ©2007 - 2009, Forumotion
Suhoctre ©2007- 2009 Phát triển bởi thành viên Diễn đàn
BQT Diễn đàn: Châu Tiến Lộc - Nguyễn Thị Trang - Phạm Ngọc Thạch

Sáng lập viên : Châu Tiến Lộc, Nguyễn Hùng Sơn, Nguyễn Thái Bình
Email : suhoctre@gmail.com - Forum : http://suhoctre.no1.vn
Xem trang web này tốt nhất với độ phân giải 1024x768 (hoặc cao hơn) với Firefox 3.0


Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất