CLB Sử Học Trẻ Việt Nam
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


CLB Sử Học Trẻ Việt Nam
 
Latest imagesTrang ChínhĐăng kýĐăng Nhập
DIỄN ĐÀN SỬ HỌC TRẺ - Điểm hẹn của những người đam mê Sử học từ khắp mọi miền Tổ quốc.
Most Viewed Topics
Chữ viết ở Đông Nam Á
Nguyễn Ái Quốc những hoạt động chủ yếu từ 1919-1930 và vai trò đối với CMVN
Tại sao giai cấp nông dân không thể là giai cấp lãnh đạo cách mạng?
Nguyên nhân chính của cao trào 30-31 là nguyên nhân nào ??
Điều lệ của Câu lạc bộ Sử học Trẻ; Nội quy của Forum Suhoctre
TỔ CHỨC BỘ MÁY NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT THỜI NGÔ - ĐINH - TIỀN LÊ
Tư sản dân quyền
phong trào cách mạng 1936-1939 có mang tính dân tộc hay không?
Đặc điểm con người nhà văn Nam Cao
Đặc điểm của cuộc cách mạng tư sản Anh thế kỉ XVII:

Share | 

 

 Huyền tích và lịch sử Vũ Hồn - Thuỷ tổ, Thần tổ Dòng họ Vũ (Võ) VN

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Huyền tích và lịch sử Vũ Hồn - Thuỷ tổ, Thần tổ Dòng họ Vũ (Võ) VN I_icon_minitimeSat Dec 04, 2010 11:26 am

Thanhsamkhach
Tôi yêu sử và tôi yêu văn. Cho tôi tâm hồn, cho tôi ý chí. Có nhiều lúc ngã lòng rơi lệ. Vịn câu thơ tôi đứng dậy mà đi

Thành viên năng động

Thanhsamkhach

Thành viên năng động

Vai trò trong CLB Sử học Trẻ Vai trò trong CLB Sử học Trẻ : Thành viên năng động
Ngày tham gia Ngày tham gia : 22/07/2010
Tổng số bài gửi Tổng số bài gửi : 511
Sở trường/ Sở thích Sở trường/ Sở thích : Tôi yêu sử và tôi yêu văn. Cho tôi tâm hồn, cho tôi ý chí. Có nhiều lúc ngã lòng rơi lệ. Vịn câu thơ tôi đứng dậy mà đi
Điểm thành tích Điểm thành tích : 679
Được cám ơn Được cám ơn : 106

Bài gửiTiêu đề: Huyền tích và lịch sử Vũ Hồn - Thuỷ tổ, Thần tổ Dòng họ Vũ (Võ) VN

 
Tài liệu thư dịch dân gian đầu tiên chép về Vũ Hồn đó là bản ngọc phả lưu ở miếu thờ thần tổ Vũ Hồn làng Mộ Trạch.

Bản ngọc phả này có thể sao lại từ bản được nội các Bộ Lại sao vào ngày tốt, tháng trọng thu (tháng 8), năm Vĩnh Hựu thứ 6 (1740) từ chính bản do Hàn lâm lễ viện, Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn vào ngày tốt, tháng mạnh xuân (tháng Giêng) năm Hồng Phúc nguyên niên (1572).

Những năm gần đây ở trong nước ta dấy lên phong trào tìm về nguồn cội. Các họ mạc ở làng quê đua nhau tìm lập lại gia phả, sửa sang lại từ đường, mong cố kết dòng họ, cộng đồng. Những danh gia vọng tộc còn giữ được gia phả thì dịch ra chữ quốc ngữ, hoặc tục biên để phổ biến rộng rãi cho con cháu biết được thế thứ ông cha và truyền thống tốt đẹp của tổ tiên mà phát huy trong cuộc sống ngày nay. Họ Vũ ở làng Mộ Trạch (làng Tiến sĩ nổi tiếng nhất ở xứ Đông và trong nước trước kia), nay thuộc xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương là một trong những dòng họ lớn ở Việt Nam cũng không nằm ngoài trào lưu trên. Song việc trở về nguồn quả thật không đơn giản, nhiều vấn đề đặt ra rất phức tạp. Chẳng hạn xưa nay họ Vũ đều coi Vũ Hồn là thủy tổ, thần tổ của họ mình; một trong những cơ sở để họ tin tưởng, dựa vào huyền tích dưới đây:

I. Huyền tích về Vũ Hồn.

Tài liệu thư dịch dân gian đầu tiên chép về Vũ Hồn đó là bản ngọc phả lưu ở miếu thờ thần tổ Vũ Hồn làng Mộ Trạch. Bản ngọc phả này có thể sao lại từ bản được nội các Bộ Lại sao vào ngày tốt, tháng trọng thu (tháng 8), năm Vĩnh Hựu thứ 6 (1740) từ chính bản do Hàn lâm lễ viện, Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn vào ngày tốt, tháng mạnh xuân (tháng Giêng) năm Hồng Phúc nguyên niên (1572). Bản sao ngọc phả hiện nay có thể thuộc thế hệ thứ 6 hoặc thứ 7?

Ngọc phả có đoạn viết:…Năm Tân Mùi, thời Đường, Đức Tông đặt Triệu Xương làm (Giao Châu) Đô hộ (sứ), lúc đó có một người ở phủ Thường Châu (Trung Quốc) gia truyền y bát, nối được nghiệp nhà tên là Vũ Công Huy; đường làm quan của ông hiển đạt. Vợ cả là Lưu Thị Phương đã ngoài 60 mà trong mộng chưa thấy hùng bi, ngoài cửa chưa treo cung hồ thỉ (chưa có con trai). Cảnh muộn mằn khiến ông buồn rầu không vui, thường than rằng; Vàng núi, thóc bể khinh như cỏ rác; con hiếu cháu hiền trọng như vàng ngọc. Ông bèn tạ ơn triều đình trả chức xin hồi hương. Vua Đường chuẩn y, lại cấp cho ông xe ngựa, châu báu. Ông về quê sống cảnh ab nhàn cùng làng xóm. Ông lại tinh thông phong thủy, thong hiểu phép địa lý chính tông.

Lại có thuyết nói rằng: Có thời gian ông (Huy) sang Nam Việt vãng cảnh sơn thủy, khi đến trang Mạn Nhuế, thuộc huyện Thanh Lâm, trấn Hải Dương thấy một khu đất có thế sơn thủy bao quanh, long hổ cùng chầu lại. Ông lập tức quay về đem cốt của tổ tiên sang táng vào khu đất ấy tại xứ Đống Già (tức Đống Rờm).

Thủa ấy ở trang Mạn Nhuế có người con gái tên là Nguyễn Thị Đức tuổi vừa đôi tám, tính hạnh đoan trang, ngôn dung uyển nhã; nếp nhà thi lễ, truyền đã nhiều đời.Ông lấy làm bằng lòng mà yêu. Tự nói rằng: Nàng mày ngài, má đào, lưng liễu dáng vẻ như tiền thực là quốc sắc. Phúc địa (đất phúc) sinh phúc nhân quả không sai.

Ông bèn mượn hồng điệp đưa mối cầu hôn. Nàng tới tuần cập kê, thật là thiên lý kỳ duyên. Hai người cùng nhau kết tóc se tơ thành chồng vợ. Từ đó ông tạm cư ngụ ở nơi quê ngoại.

Được hơn một năm, có lần Nguyễn Thị Đức mộng thấy người thần đem quả đào tiên, nàng nuốt lấy; sau tỉnh dậy rồi nói chuyện với chồng. Ông nói rằng: Đó là điềm lành. Vợ chồng bèn đưa nhau về Bắc quốc.

Từ đó Nguyễn Thị Đức mang thai. Đến ngày 8 tháng giêng, năm Giáo Thân, đêm ấy có một đám mây vàng hình tròn như chiếc tán che phủ trước sân, rủ xuống tới đất. Nguyễn Thị sinh hạ một thần nhi, thiên tư tuấn tú, khí chất hiên ngang, mày vua Nghiêu, mất vua Thuấn, lưng vua Vũ, vai vua Thang, dáng vẻ thật lạ thường. Ông bèn đặt tên cho con là Hồn.

Bảy tuồi Hồn đi học; sách vở xem qua một lượt là nhớ hết. Mười hai tuổi đã tinh thông văn chương, qua cửa Trình, Chu, học lực vượt hơn họ Âu (Âu Dương Tu), họ Tô (Tô Đông Pha), thi tài cùng ông Lý (Lý Bạch), ông Đỗ (Đỗ Phủ). Lại còn dốc chí cung tên hay đọc binh thư, tinh thông văn võ, rõ là bậc anh tài.

Năm 16 tuổi thi Đình, vua ( Đường ) xét Hồn là bậc ky tài, học lực tinh thông, trên thông thiên văn dưới tường địa lý, không việc gì, vật gì mà không biết không hiểu. Vua cho đó là nhân tài bật nhất của thiên hạ, phong cho làm chức quan Lễ bộ tả thị lang; ban cho xe ngựa, mũ áo về vinh quy. Vũ hồn về bái tạ từ đường tổ tiên; sau đó lại hồi triều nhậm chức.

Được hai năm thăng làm Đô đài ngự sử, hơn năm sau nhận mệnh của vua Đường lấy tên là Hàn Thiều nhậm chức Giao Châu Thứ sử vào thời Đường,Kinh Tông năm Bảo Lịch nguyên niên (825). Đến thời Đường, Vũ Tông năm Hội Xương nguyên niên (841); Vũ Hồn được tiến thăng An Nam Đô hộ Kinh lược sứ thay người tiền nhiệm là Hàn Ước (Thay Mã Thực ).

Khi ngài phụng chiếu đến Nam Việc tuần thú, kính lý thiên hạ đã đến trang Mạng Nhuế, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương – tên cổ là Hồng bộ, sau đổi là Dương Tuyền. Ngài vào làm lễ bái yết mộ tổ. Lại đi đến trang Khả Mộ, huyện Đường An, phủ Bình Giang thấy trang ấy sơn thuỷ hữu tình, long trầu hổ ấp, nội sào ngoại sào, tả phù hữu bật, năm con ngựa chầu đằng trước, bảy ngôi sao chiếu đằng sau, thần đồng đứng hai bên, bảng bút bày sẵn thật là nơi đất phát tổ Tiến sĩ. Ngài bàn vẽ thành địa đồ (cắm đất).

Khi trị nhậm ngài chủ trương đắp La Thành kiên cố. Bèn sai tướng sĩ tiến hành gấp công việc không kể ngày đêm. Nhân do quân ở phủ làm loạn, ngài phải bỏ phủ thành chạy về Quảng Châu.Giám quân Đoàn Sĩ Tắc tiếp quản mà vỗ yên loạn binh, phủ thành lại ổn định.Đến năm Bính Dần, Hội Xương năm thứ 6 (846) người Man Nam Chiếu vào cướp phủ thành. Ngài lên một chiếc xe nhẹ về Bắc quốc xin lệnh của vua. Vua Đường sai Bùi Nguyên Dụ làm Kinh lược sứ, xuất binh đánh bại người Man Nam Chiếu. Được một năm vua xuống chiếu đảm đương nhiệm quốc gia, sẽ báo đáp sau. Nay muốn ông (Hồn ) về triều cùng nhau yến tiệc thân tình, đàm thoại mưu kế. Ông cho rằng, người xưa được một ngày nuôi cha mẹ, dẫu làm quan Tam công (Thái sư, Thái phó, Thái bảo ) cũng không sướng bằng. Tôi nay còn có mẹ già há nên tham muốn giàu sang mà không nghỉ đến sự hiếu dưỡng hay sao?Bèn dâng biểu xin từ quan, nộp lại chức về nhà nuôi dưỡng mẹ già. Vua thuận tình ban cho tiền vàng, gấm vóc.

Vâng mệnh vua, ngài về ngay quê nhà đón mẹ già sang sống ở Việt Nam; cho thiết lập một lâu đài ở Thượng khu, trang Khả Mộ làm nơi phụng dưỡng mẹ già và khyến bảo nhân dân chuyên làm điều lợi trừ việc hại. Dân điều có lễ nghĩa, nhà nhà giàu thịnh; đấy là công đức của ngài vậy. Dân đều chịu ơn đó và coi ngài như mặt trăng, mặt trời, thân thiết như cha mẹ. Ngài là thuỷ tổ sáng lập nhân dân vậy.

Khi nhân dân làm lễ, nhân đó xin rằng: Nay lâu đài làm chổ ở, về sau làm mộ tự, ngài hứa cho vậy và bảo rằng: Trang khu có hậu thì phải trọng di mệnh của ta. Vạn năm về sau trang khu không quên thờ cúng. Ngài lại cho thêm 5 nén vàng, tậu ruộng, ao làm việc hậu, cúng tế. Nhân dân đều vâng theo, ưng cho thôn sở tại trông đều và tế tự.

Khi ấy đức thánh Mẫu già, bệnh đã lâu, thuốc không sẵn, cầu đảo thần không hiệu đã mất. Ngài khóc than kêu trời rất thương xót; rước linh cữu lên táng ở trang Kiệt Đặc, huyện Thanh Lâm, (nay thuộc huyện Chí Linh ). Từ đường hương khói được 3 năm thì mãn tang; khi ấy ngài 49 tuổi. Vào ngày 3 tháng 12 khi ngài đang ngồi ở học đường, bổng nhiên trong người thấy bất an, không bệnh mà mất. Táng tại xứ Đống Dị, đầu bản trại. Bỗng nhiên trời đất tối sầm, mây mù che kín. Một giờ lâu trời quang đã thấy kién mối đùn đắp đất thành một ngôi mộ lớn. Nhân dân và gia thần đều kinh hãi, lập tức đem về đó trình báo lên quan huyện. Huyện quan làm sớ tâu vua. Vua bèn truy nguyên lúc bình nhật, sắc phong làm phúc thần, lại phong: Đương cảnh thành hoàng, lâu đài cư sĩ, linh ứng Đại vương.

Sắc chỉ cho Thượng khu, trang Khả Mộ lên kinh thành rước mỹ tự về lập miếu phụng thờ; truyền khu cấm địa ấy gọi là Mả Thần, sở tại ức niên hương hỏa, kính vậy thay.

Lại nói rằng: Từ đấy về sau vẫn thường linh ứng. Các triều đại đế vương đều có sắc phong thêm mỹ tự cho Đại vương.

Đến đời Trần Nhân Tông, quân Nguyên- Mông xâm chiến nước ta; kinh thành bị thất thủ; Trần Quốc Tuấn phụng mệnh vua cầu đảo bách thần phù giúp; đức thần tổ ta hiển ứng ngầm giúp ( âm phù ). Khi bình được Ô Mã Nhi, Phàn,Tiếp vua bèn phong thêm mỹ tự cho đại vương: một vị thần thông minh, trí sáng,mạnh giỏi, cao lớn, đáng thần bậc trên.

Đến thời Lê Thái Tổ khởi nghĩa ở Lam Sơn, bình lũ Mộc Thạnh, Liểu Thăng ở Chi Lăng;10 năm yên được thiên hạ, lại phong thêm mỹ tự ch thần: Giúp đời, yên dân, giúp rất thiêng, ứng lớn, ông thần bậc trên.

Sắc ban cấp cho Thượng khu; trang Khả Mộ trùng tu miếu vũ, thịnh vượng tốt đẹp thay.

Vâng khai ngày sinh, ngày hóa và chữ húy, nhất thiết không được mạo dùng. Chữ bên tả là bộ thuỷ, chữ bên hữu là bộ quân (ghép lại là chữ Hồn ).

Cho thượng khu, trang Khả Mộ lấy ngày sinh thần 8 tháng Giêng làm chính lệ. Lễ dùng lợn đen, xôi rượu, ca xướng, đánh cờ, đu tiên. Các trò đó chỉ chơi trong 10 ngày.

Ngày hóa của thần là ngày 3 tháng 12 (Chạp) lấy làm chính lệ. Lễ dụng tuỳ nghi, ca xướng thì cấm.

Theo ngọc phả thì miếu thờ Vũ Hồn ở trang Khả Mộ có từ khá lâu đời. Vua Trần Nhân Tông đã gia phong mỹ tự cho thần. Trải qua nhiều trùng tu ngày nay ngôi miếu cổ vẫn còn ở làng Mộ Trạch. Hiện tại với sự hảo tâm giúp đỡ các nhà tài trợ: Võ Văn Hồng, Vũ Văn Tiền, Vũ Hữu Sâm và nhiều tấm lòng vàng khác ngôi miếu được duy tư và mở rộng xây dựng cảnh quang xung quanh thành một khuôn viên văn hoá bậc nhất của cả họ Vũ. Miếu cổ ba gian, mái ngói, tường xây. Bên trong còn lưu giữ một số bức đại tự: Vạn thế trạch ( đất vạn đời ); Đường triều đô hộ; duy thần tổ; lai tự Bắc phương (triều Đường Đô hộ, chỉ một thần tổ, đến từ phương Bắc); Giao Châu Đô hộ; ngô ấp thành hoàng (quan Đô hộ Giao Châu, thành hoàng làng ta). Một số câu đối và các đồ thờ. Ở miếu hiện còn 8 sắc phong thần, ghi các niên hiệu triều vua sau: Cảnh Hưng 1740 – 1767; Chiêu Thống 1787; Tự Đức 1858; Đồng Khánh 1887; Duy Tân 1909; Khải Định 1924; và một sắc phong mất niên đại (có thể là sắc thời Quang Trung ). Các sắc phong trên đều phong thêm mỹ tự cho thần.

Theo lệ làng hàng năm vào ngày 8 tháng Giêng dân làng Mộ Trạch mở lễ hội; tiến hành tế lễ thần thành hoàng làng – thần tổ họ Vũ. Theo tục lệ truyền lại mọi người kiêng gọi tên huý của thành hoàng làng: không gọi là Vũ Hồn mà gọi là Vũ Hòn; vong hồn gọi là vong hòn. Dân làng tổ chức rước thần từ miếu đến đình và ngược lại. Đám rước trang nghiêm, ngoạn mục thể hiện thành lòng kính, biết ơn của dân làng đối với vị thần có công khai sáng; luôn ứng giúp dân làng trừ tai, giáng phúc mang lại cuộc sống bình yên cho mọi người. Ngày hội làng tưng bừng vừa có ý nghĩa tôn vinh thần, vừa gắn kết cộng đồng làng xóm trong sự nghiệp dựng làng giữ nước.

Ngoài di tích miếu thờ thần tổ Vũ Hồn, ở Mộ Trạch còn truyền giữ được mả thần hay còn gọi là lăng thần ở cánh đồng đầu làng xứ Đống Dị (gần khu trường PTCS xã Tân Hồng ). Lăng thần là nơi hợp tácVũ Hồn cùng phu nhân mà trong Mộ Trạch Tích Thiện đường và ngọc phả có chép đến. Sự thật dưới mả thần có gì? Chưa ai biết được, họa chăng có sự can thiệp của các nhà khảo cổ học. Nhưng theo tập quán của người Việt điều đó ít khi xảy ra.Thường con cháu đều muốn giữ yên và muốn làm đẹp mồ mả tổ tiên. Vì lẽ đó năm 1994 Tiến sĩ Vũ Ngọc Thinh Việt Kiều ở Nhật Bản vốn quê Mộ Trạch nhân chuyến thăm quê đã làm việc thiện xây lại khu lăng thần cao ráo, bề thế hơn trước mong trường tồn cùng năm tháng. Giờ đây mỗi khi hội làng kỷ niệm ngày sinh của thần, dân làng đều đến thắp hương ở lăng thần. Những con cháu họ Vũ xa quê lâu ngày, hoặc những người vấn tổ tìm tông có dịp về Mộ Trạch đều đến dâng hương hoa và lễ mọn thành tâm cầu nguyện tại lăng thần.

Cũng theo ngọc phả, thân Mẫu của Vũ Hồn lúc sống được phụng dưỡng ở trang Khả Mộ; khi mất được đem táng tại trang Kiệt Đặc, huyện Thanh Lâm. Nay thuộc thôn Kiệt Thượng, xã Văn An, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Đấy cũng là nơi thắng địa, có dãy núi Phượng Hoàng chạy qua.

Ngày nay ở xã Mạn Nhuế thuộc huyện Nam Sách, Hải Dương có mả ở Đống Rờm. Theo ngọc phả và dân gian truyền lại thì đó có thể là mộ ông nội của Vũ Hồn. Tương truyền mả ở Đống Rờm táng treo. Hộp đựng cốt bằng tiểu sành được treo trên bốn cột sắt, dựng trong hầm xây. Đến Thời Thành Thái cuối thế kỷ XIX mả treo mới bị sập xuống.

Theo một số tài liệu mả Đống Rờm nhiều lần bị tranh chấp. Nguyên do đến đầu thời Lê (thế kỷ XV ) mộ tổ họ Vũ bị mất. Sau đó có tham chính Trần Xuân Án người xã An Lạc, huyện Thanh Lâm, trấn Hải Dương nhờ thầy phong thuỷ là Nguyễn Trọng Diệu tìm đất để táng mộ tổ mong con cháu phát phúc. Khi đào Đống Rờm phát hiện tấm bia mộ chí bằng đá ghi: Đường An, Khả Mộ, Vũ Thị tổ mộ - Mộ tổ họ Vũ, ấp Khả Mộ, Đường An. Vì thế Trần Xuân Án bỏ đi và báo lại cho người làng Khả Mộ biết. Từ đấy hàng năm con cháu họVũ làng Mộ Trạch đi lại thăm viếng, giữ gìn lấy mộ tổ.

Đến Thời Gia Long (1802 -1819 ), có Bá Gôm, người huyện Tứ Kỳ đem mộ tổ táng ở Đống Rờm. Dân làng Mộ Trạch đem việc đó kiện lên quan, kết quả đã thắng kiện. Quan phê vào đơn bốn chữ: Hoàn phụ vi phần – trả lại Đống làm mộ phần. Sau đó làng Mộ Trạch dựng bia đá ở giữa Đống Rờm. Trên bia ghi: Mộ Trạch xã (ngang ) hai hàng dọc ghi: Vũ tộc tổ mộ và hoàn phụ vi phần.

Năm 1930 hào lý làng Mạn Nhuế cho Tả Hảo người phủ Thường Tín, Hà Đông để mộ tổ vào Đống Rờm. Làng Mộ Trạch lại thêm tốn nhiều tiền để xin Đống Rờm làm đất riêng giữ lấy mộ tổ. Chính quyền sở tại, đại diện là viên công sứ Pháp Matssimi đã bác bỏ đơn của làng Mộ Trạch; nhưng giao cho hương lý xã Mạn Nhuế phải trông nom ngôi mộ ở Đống Rờm. Trong công văn đề Hải Dương ngày 15 tháng 3 năm 1937 Matssimi đã nhầm cho đó là mộ của Vũ Hồn; thực ra đó là mộ của ông nội Vũ Hồn.

Từ đó đến nay con cháu họVũ Mộ Trạch dù còn ở làng hay đã chuyển cư đi nơi khác thường được tự do đến viếng mộ tổ ở Đống Rờm.

Như vậy những di tích trên: miếu thần tổ, lăng thần, mộ thân mẫu thần,mộ Đống Rờm được ghi trong ngọc phả đều còn lại đến ngày nay. Sự tồn tại song hành giữa ngọc phả và di tích dễ khiến người ta nữa tin, nữa ngờ. Có thể coi thần phả như những tia ảnh xạ lịch sử về Vũ Hồn, trong đó có những điều gần trùng khớp với lịch sử. Nhưng không ít điều phản chiếu sai lạc, do nhưng vật lịch sử được choàng thêm tấm màng huyền thoại hư ảo, người đời sau tô vẽ, nhào nặn công phu dưới thuyết phong thuỷ, vừa bí hiểm vừa chủ quan định sẵn. Nhưng dù sau thần phả trước sau cũng chỉ là thần phả. Những ảnh xạ lịch sử từ đó quá mờ nhạt, khiến người đi tìm sự thật gặp muôn vàn khó khăn trở ngại, song không kém phần hấp dẫn. Huyền tích về Vũ Hồn được viết lên từ cái cốt của lịch sử và sự thêu dệt của dân gian. Chính vì thế Vũ Hồn đã di vào đời sống tâm linh của con cháu họ Vũ và dân làng Mộ Trạch. Con cháu họ Vũ nối đời sinh ra ở đó và mặc nhiên coi Vũ Hồn là thuỷ tổ - thần tổ của họ mình. Các nguồn sử liệu dưới đây sẽ góp phần làm sáng tỏ thêm về nhân vật lịch sử Vũ Hồn.

II.Các nguồn Sử liệu về Vũ Hồn.

Ở Việt Nam có một số bộ sử trong đó chép về nhân vật Vũ Hồn:

Lê Văn Hưu được coi là sử gia đầu tiên của Đại Việt đã biên soạn bộ Đại Việt sử ký 30 cuốn. Tiếc thay bộ sử lớn đó đã thất lạc nên không rõ trong đó có ghi chép về nhân vật Vũ Hồn hay không?

An nam chí lược của Lê Tắc được hoàn thành những năm đầu thế kỷ XIV cũng có ghi về những người tiền nhiệm và người kế nhiệm Vũ Hồn làm chức An Nam Đô hộ:

Hàn ước, làm An Nam Đô hộ năm Thái Hòa thứ 2 (828), đời Văn Tông. Thứ sử Phong Châu là Vương Thăng Triều làm phản Ước dẹp yên, sau bị loạn quân đuổi chạy.

Mã thực, tự Tồn Chi, đầu niên hiệu Khai Thành ( 836 ), đời vua Văn Tông, làm Nam An Đô hộ..

Vũ Hồn, làm Nam An Kinh lược, năm Hội Xương thứ 3 (843 ), bị loạn quân đuổi đi.

Điền tảo, con của Điền Hồng Chính, trong khoảng niên hiệu Thái Hoà (826- 830) làm An Nam Đô hộ.

Vương Thức, con của Tể tướng Vương Khởi, thời Tuyên Tông (847- 859 ) làm An Nam Đô hộ.

Việt sử lược là bộ sử khuyết danh được biên soạn khoảng thời gian cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV trong đó ghi chép về người tiền nhiệm trước Vũ Hồn:

Hàn ước,người ở Vũ Lâm thuộc Lãng Châu, vốn tên là Trùng Cách. Trong khoảng niên hiệu Thái Hoà (827- 835 ) đời Văn Tông, bỏ chức Đô đốc các châu, đều thuộc vào An Nam Đô hộ phủ, lấy Ước làm đô hộ.



Vũ Hồn, người đời Vũ Tông (841- 846 )

Bùi Nguyên Hựu, người đời Vũ Tông.

Đại Việt sử ký toàn thư do Ngô Sĩ Liên và các sử thần đời Lê biên soạn, ở phần ngoại kỷ chép về Vũ Hồn cùng những người tiền nhiệm, kế nhiệm ông:

Mậu Thân (828 )(Đường Văn Tôn Hàm, Thái Hoà thứ 2 ). Đô hộ Hàn Ước đánh Vương Thăng Triều ở Châu Phong, thắng được. Sau bị Dương Thanh đuổi, chạy về Quảng Châu.

Tân Dậu ( 841 ) ( Đường Vũ tôn Viêm, Hội Xương năm thứ 1). Nhà Đường xuống chiếu lấy Vũ Hồn làm kinh lược sứ thay Hàn Ước.

Quý Hợi ( 843 )(Đường, Hội Xương năm thứ 3 ). Kinh lược sứ làVũ Hồn bắt tướng sĩ sửa đắp phủ thành, tướng sĩ làm loạn, đốt lầu cửa thành, cướp kho phủ. Hồn chạy sang Quảng Châu. Giám quân Đoàn Sĩ Tắc dụ yên được bọn làm loạn.

Bính Dần ( 846 )(Đường Hội Xương năm thứ 6 ). Người Nam Man vào cướp, nhàĐường sai Kinh lược sứ làBùi Nguyên Dụ đem quân các đạo lân cận dẹp được.

Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục của quốc sử quán triều Nguyễn dẫn sách Đường thư và giải thích rõ thêm về nhân vật lịch sử Vũ Hồn cùng những người tiền nhiệm và kế nhiệm ông:

Theo Đường thư, Hàn ước là người có chí dũng quyết, lõm bõm sử sách, có tài hành chính; trước đã làm Thứ sử Kiền Châu. Đến khi Thăng Triều làm.

Phản, Hàn Ước lãnh chức An Nam Độ hộ, đánh dẹp yên, Thang Triều bị giết. Sau, quân phủ đô hộ nổi loạn, Hàn Ước bị đuổi, chạy về Quãng Châu.

Lời chua: Hàn Ước: Theo truyện Vương Phan trong Đường thư, Hàn Ước người Vũ Lăng, tín thân bằng tiền và thóc.

Năm Bính Thìn (836)( Đường, năm Khai Thành thứ 1).

Nhà Đường dùng Mã Thực làm đô hộ…

Trong (lời cẩn án – xem xét kỹ các tài liệu rồi nhận địng rằng:)..Thế mà sử cũ.. chỉ chép thuộc Đường, nam Hội Xương thứ nhất (841), Vũ Hồn thay Hàn Ước làm Kinh lược sứ. Nay xét Đường thư bản kỷ, đời Văn Tong, năm Thái Hòa thứ 3 (829), Ước bị quân nổi loạn đuổi. Kể từ năm Thái Hòa thứ 2 (828) đến năm Hội Xương thứ nhất (841), trong khoảng đó còn có niên hiệu Khai Thành (836-840) gồm 5 năm phải còn có Mã Thực làm Đô hộ. Vậy thì Vũ Hồn kế chân Mả Thực, chứ không phải thay Hàn Ước. Nay theo Đuờng thư, xin bổ chính để nêu rõ… Và chữa chổ sai lầm.

Năm Tân Dậu(814)(Đuờng, Vũ Tông, năm Hội Xương thứ 1).

Nhà Đuờng dùng Vũ Hồn làm Kinh lược sứ.

Vũ Hồn đến nơi, bắt tướng sĩ sửa phủ thành; quân lính ở phủ đô hộ khởi loạn, đốt lầu thành, cướp kho đạn. Vũ Hồn chạy về Quảng Châu. Viên giám quân là Đoàn Sĩ Tắc dẹp yên đám quân lính làm loạn, Giao Châu mới được yên.

Năm Bính Dần (846)(Đường, năm Hội Xương thứ 6).

Tháng 9, mùa thu. Quân Man Nam Chiếu vào lấn cướp, Kinh lược sứ Bùi Nguyên đem quân các đạo đánh bại được.

Như vậy việc dẫn các sách sử ở trên mặc dù có sự ghi chép chưa thống nhất về Kinh lược sứ Vũ Hồn cùng người tiền nhiệm và người kế nhiệm ông. Song cho thấy ghi chép trong An Nam chí lược của Lê Tắc đời Trần (lúc đó ông đang sống ở Trung Quốc) có phần đảm bảo độ xác thực cao. Thứ tự danh sách các viên Đô hộ, Kinh lược sứ có thể tạm kê ra như sau:

Hàn Ước (828); Điền Tảo (826-830(Điền Tảo có thể đảm nhậm chức Đô hộ trước hoặc sau Hàn Ước?); Mã Thực (836-840); Vũ Hồn (841-843); Bùi Nguyên Dụ (844-846).

Những điều trình bày trên cho thấy Vũ Hồn là một nhân vật lịch sử có thật. Ông làm quan đời Đường, Vũ Tông (841-846).

Năm 841 ông được cử làm Kinh lược sứ An Nam, thay Mã Thực. Khi đến nơi nhậm chức sau một thời gian vào năm 843 đã xảy ra sự biến mà Đại Việt Sử ký Toàn thư và Khâm định Việt sử thông giám cương mục dựa vào Đường thư, cùng một số sách khách chưa rõ xuất sứ? để biên soạn, đã dẫn ở trên.

Tiếc thay tài liệu lịch sử không chép gì thêm về con người và sự nghiệp nhất là hậu hoạn lộ, quãng đời sau của Kinh lược sứ Vũ Hồn. Sau vụ loạn quân ở phủ thành đô hộ ông ở lại Quảng Châu hay đến nơi nào khác? Có tiếp tục làm quan với nhà Đường hay đã lui về vườn?

Vũ Hồn có quay trở lại nước ta hay không, với tư cách một ông quan hay một thường dân; nguyên Kinh lược sứ Vũ Hồn đã đến mở ấp Khả Mộ ( Mộ Trạch sau này), cưới vợ việt Định cư rồi sinh ra con cháu họ Vũ nối đời ở đó. Cho đến nay chưa tìm thấy lịch sử nào ghi chép chính xác về những điều tồn ghi nêu trên. Khoảng trống lớn đó vẫn chưa lấp được !

Hàng ngàn năm lịch sử đã trôi qua, biết bao dâu bể, nhiều sự kiện đã bị, thời gian vùi lấp vĩnh viễn. Song có những gì cần lưu giữ vẫn được dân gian giữ gìn trân trọng. Dân làng Mộ Trạch, trong đó gồm nhiều thế hệ họ Vũ từ xưa đến nay đều có chung hoài niệm về Vũ Hồn. Thông qua huyền tích dân gian họ coi Vũ Hồn như một vị thuỷ tổ của họ Vũ, một vị thần thành hoàng làng đã xây nền đặt móng cho con cháu muôn đời.

Do coi Vũ Hồn là thuỷ tổ, thần tổ họ Vũ ở Mộ Trạch nên từ rất sớm khi lập phả đồ hay tộc phả họ Vũ, con cháu họ duệ đều giành vị trí xứng đáng cho Vũ Hồn, đã ghi chép, bổ sung thêm nhiều chi tiết về cuộc đời Vũ Hồn.

Trong Công dư tiệp ký, phần Thế gia Vũ Phương Đề có chép về họ Vũ ở Mộ Trạch: Ông tổ họ Vũ ở Mộ Trạch tên là Hồn, người tỉnh Phúc Kiến. Năm Hội Xương thứ 1 (841) đời vua Vũ Tông nhà Đường, ông lại thay Hàn Ước làm Giao Châu Thứ sử. Ông thấy xã Mộ Trạch có phong thuỷ xinh đẹp, bèn đến cư trú ở đó. Rồi ông đặt tên huyện ấy là Đường An và đặt tên xã ấy là Khả Mộ.

Đời Vua Minh Tông nhà Trần (1314-1329), nghiêu Tá và em là Nông cùng thi. Hai anh em đều nổi tiếng hay chữ và làm quan tới chức Nhập nội hành khiển Tả bộc xạ. Các ông bắt đầu tìm tòi tông phái, liệt kê thế thứ, khoa danh và tước trật. Từ đó mới có tài liệu để khảo cứu …

Trong khoảng niên hiệu Thịnh Đức và Vĩnh Thọ đời Lê Thần Tông (1653-1661) họ Vũ khoa nào cũng có người đỗ Tiến sĩ …Đồng thời có 13 người cùng làm quan trong triều. Cả làng đều là cháu chắt của Cụ Vũ Hồn. Ban đầu Cụ Vũ Hồn được phong làm phúc thần, sau được gia phong nhiều huy hiệu. Hiện nay (1755) phía sau rừng hãy còn ngôi mộ của Cụ Vũ Hồn.

Trong khoảng niên hiệu Dương Đức (1672-1673 ) đời Lê Gia Tông, Duy Hài và Công Đạo sang sứ nhà Thanh, dự định sau khi xong việc, sẽ xin phép đến tỉnh Phúc Kiến tìm nhận tông phái họ Vu.õ Nhưng vì vùng ấy bấy giờ đang có giặc giã, đường xá đều mắc nghẽn, không đi lại được nên đành thôi.

Từ năm 1767-1769 nhóm anh em, chú cháu Lan Am Vũ Phương Lan, cháu đời thứ 15 thuộc chi 3; Hằng Hiên Vũ Thế Nho, cháu đời thứ 15 thuộc chi thứ 5; Vũ Tông Hải, cháu đời thứ 10 thuộc phái kỷ cùng nhau biên soạn Mộ Trạch Vũ tộc thế hệ sự tích (bản sao của sách lưu tại thư viện Hán Nôm, ký hiệu A 3132).

Để biên soạn sách trên các bậc tiền bối Vũ Phương Lan,Vũ Thế Nho, Vũ Tông Hải đã dựa vào các di văn của tiền nhân còn lưu lại như: Tông phái đồ của Vũ Nghiêu Tá vàVũ Nông, Sơ đồ chỉ dẫn tông tộc của tướng công Hằng Trai Vũ Dự, Lược đồ của tướng công phác trai Vũ Duy Chí, Lời truyền lại của viên ngoại lang Thức Trai Vũ Hiệu, Ghi chép của quyền Tham chính Trạch Xuân hầu Vũ Phương Đề; cùng văn bia ở nhà thờ các chi họ … Tuy các phả đồ gốc và những ghi chép đó không còn, chỉ được nhắc đến trong các công trình biên soạn tộc phả từ thế kỷ XVIII về sau này, nhưng rất quý giá.

Ở phần Đường Trạch Vũ tộc phổ hệ tục biên quyển 1, hay trong Mộ Trạch Vũ tộc ngũ chi phả, bản microphim chữ Hán, hiện lưu trữ tại thư viện Hán Nôm, ký hiệu A659 có viết:

Đức thuỷ tổ họ Vũ, tên húy( bên trái viết bộ chấm thủy( ) bên phải viết chữ quân( ) gộp lại là chữ Hồn( ), vốn người huyện Long Khê, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, làm quan dưới triều Đường, Kính Tông. Năm Bảo Lịch thứ 1 (825) thay Hàn Thiều làm Giao Châu thứ sử; đến đời Văn Tông, năm Hội Xương thứ 3( 843) được thăng làm An Nam Đô hộ sứ. Sau vì tuổi già, tật bệnh trả thẻ bài từ quan. Ngài chỉ ưa thích độc một phong cảnh làng ta (Mộ Trạch), bèn chọn làm nơi cư trú … Chính Đại vương đã khai phá ruộng đất thôn Thượng mà lập thành ấp. Từ đó con cháu ngài sinh trưởng tại bản ấp, thành người nước Nam, an cư lạc nghiệp ở quê mới từ đời Đường, Tống xa xưa.

Trong cuốn Mộ Trạch Vũ tộc Thế Trạch đường gia phả, chữ Hán, ký hiệu A3136, trong đó coi Huyền Aân ( sống khoảng cuối Trần –thế kỷ XIV ) là tổ thứ nhất của Thế Trạch đường. Đến đời thứ 6 thì phân thành ngũ chi. Sách này cũng dẫn lại lời tựa của Mộ Trạch Vũ tộc thế hệ sự tích được Mậu Lâm Hình Bộ Lang trung Vũ Phương Lan xem lại; Tiến sĩ Khoa Giáp Tuất Tri thị nội thư tả Thiêm sai công phiên, Hàn lâm viện thị thư Vũ Di Hiến đính chính vào ngày tốt tiết thu năm Cảnh Hưng thứ 30 (1769). Hậu duệ Vũ Hoa Phong bổ sung, thừa sao ngày 1 tháng 8 năm Khải Định thứ 5(1920). Trong đó cũng coi thuỷ tổ là bậc thượng thần Đại Vương, vốn dĩ hào kiệt phương Bắc sang làm đầu mục Nam bang, tinh nghề phong thuỷ trước Cao Đô hộ đời Đường (Cao Biền, giỏi việc thơ văn nối dòng Sĩ Vương ( Sĩ Nhiếp) đời Hán; đã chọn danh hương này mà dựng cơ nghiệp, sáng khai nền nhân do ức vạn năm về sau ….

Bài dẫn thế thứ họ Vũ Mộ Trạch trong Thế Trạch đường gần như sao lại Đường Trạch Vũ tộc phổ hệ tục biên (q1 đã dẫn ), cũng coi Vũ Hồn là thuỷ tổ họ Vũ Mộ Trạch, Đường An; vốn người Phúc Kiến, Trung Quốc; làm quan đời Đường …Năm Bảo Lịch nguyên niên (825) thay Hàn Thiều làm Giao Châu Thứ sử; do mến làng ta phong cảnh đẹp đã chuyển cư đến ở đó.

Bài tựa Tích Thiện đường phổ hệ trong Mộ Trạch Vũ tộc Tích Thiện đường phổ ký và đồ do hậu duệ Lương Đường Độn Tậu Vũ Văn Tài soạn nhân tiết thanh minh năm Quý Tỵ, Minh Mạng thứ 14 (1833). Sách chữ Hán, ký hiệu A661, có viết:

Thần tổ Đại Vương họ Vũ, huý là Hồn, người Phúc Kiến, Trung Quốc. Quê quán ở xã Long Khê, huyện Phúc Điền, phủ Phúc Châu. Ngài nhiều lần đến phương Nam( nước ta ) vãng cảnh. Trước ngài thay Hàn Ước làm Giao Châu Kinh lược sứ. Sau ngài lại thay Hàn Thiều làm Giao Châu Thứ sử. Ngài lại làm An Nam Đô hộ, trước thời Cao Biền, cho xây dựng thành Đại La, xưa gọi là thành Đông Khai, lại gọi là Bắc thành tức tỉnh Hà Nội nay.

Ngài xem khắp các danh địa nước ta, như Kim Hoa ở Thanh Nhàn, Cổ Bi ở Gia Lâm, Xuân Lôi ở Võ Giàng, Cổ Lũy ở Đông Ngàn, Hoàn Hậu ở Quỳnh Lưu,nhưng không nơi nào đẹp hơn hương ấp ( Mộ Trạch ) ta. Ngài bèn cắm đất định cư… Lấy tên huyện là Đường An, tên xã là Khả Mộ; sau đổi là Mộ Trạch. Bản ấp xưa tên là Chằm Trạch, lại có tên là Lạp Trạch (vì gọi tên nghề làm nón ấp ta ). Thần tổ là người đầu tiên khai mở ra ấp mới, nhân đó gọi là ấp Khả Mộ. Cho nên đến đây ( thời Minh Mạng 1820-1840) cả ấp đều coi là hậu duệ của thần tổ Vũ Hồn.

Thần tổ cùng phu nhân được hợp tác tại ấp, tục gọi là Mã Thần- dân làng lập đình miếu thờ tự, các triều đại phong thần là thượng đẳng tối linh Đại Vương.

Như vậy từ truyện Thế gia của Vũ Phương Đề, đến những ghi chép có sự khác nhau trong phả hệ họ Vũ ở Mộ Trạch: Mộ Trạch Vũ tộc thế hệ sự tích, Mộ Trạch Vũ tộc Vũ ngũ chi phả, Mộ Trạch Vũ tộc bát phái phả, Mộ Trạch Thế Trạch đường, Mộ Trạch Tích Thiện đường, Vũ tộc bát phái đồ phả; song tựu chung đều cho biết được thông tin rất cơ bản vềVũ Hồn. Ông nguyên quán ở xã Long Khê, huyện Phúc Điền, phủ Phúc Châu (tỉnh Phúc Kiến ), Trung Quốc. Ông làm quan thời Đường từ năm 841 đến 843, giữ chức Kinh lược sứ An Nam. Ông là người giỏi phong thuỷ nên đã chọn ấp Khả Mộ ( Mộ Trạch) để định cư. Con cháu họVũ đời đời sinh ra ở đó và đều nhận Vũ Hồn là vị thuỷ tổ, thần tổ của dòng họ Vũ ở Mộ Trạch,Việt Nam.

Trong khi biên soạn các bộ tộc phả, chi phả họVũ nêu trên các tác giả có tham khảo chính sử, thần phảvà các bộ phả cũ của tiền nhân, cùng một số tài liệu khác lưu ở họ ở làng. Vì thế đã cung cấp thông tin xác đáng về con người (quê quán); hoạn lộ (đường làm quan ) của Vũ Hồn; đồng thời đều thừa nhận Vũ Hồn là thuỷ tổ, thần tổ của họ Vũ ở Mộ Trạch. Tuy nhiên cũng cho thấy sự ghi chép chưa được thống nhất về hành trang của Vũ Hồn: Trước ông thay Hàn Ước làm Giao Châu Kinh lược sứ. Sau ông lấy tên là Hàn Thiều làm Thứ sử Giao Châu hay đã thay Hàn Thiều làm Thứ sử Giao Châu? Những thông tin chưa khớp nhau giữa tộc phả và chính sử khiến chúng ta còn tốn nhiều giấy mực để tìm tòi, giải mã.

Song sự thừa nhận Vũ Hồn là thuỷ tổ – thần tổ không những được ghi trong tộc phả màcòn được khắc vào bia đá ở làng Mộ Trạch và ở một số địa phương khi con cháu họ Vũ chuyển cư đến nơi ở mới.

Trong số hơn hai mươi bia hiện còn ở Mộ Trạch, có bia Quang Chấn đường dựng năm 1679; bia hai mặt, mặt thứ nhất là Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (1652) Hồ Sĩ Dương soạn, ca ngợi sự nghiệp của Quốc lão Tể tướng Vũ Duy Chí (1603-1679). Mặt sau ghi sự nghiệp của Tể tướng do ông tự soạn, Vũ – Thường – Tồn viết văn bia năm 1681. Khi thực ghi sự nghiệp của mình, lưu lại cho con cháu đời sau Vũ – Tể – tướng tự nhận:

Tôi thuộc phái thần ở Hồng An Trạch (phủ Thượng Hồng, huyện Đường An, xã Mộ Trạch). Thoạt đầu, vị tổ họ Vũ huý Hồn. Thời nhà Đường làm Giao Châu Thứ sử, ấp đến ở có tên Khả Mộ, huyện Đường An …..Năm, tháng về sau sách phả mất hết, cho nên (thế ) thứ, danh hiệu, tước trật, công lao không có được. Kịp có Tằng tổ của Truy Viễn đường soạn ra Tổng dẫn đồ phả hệ của nhà thờ, biết được gần nhất là từ tổ thứ 9 (kể từ Vũ Duy Chí trở lên) thời nhà Trần, tặng( chức) tăng thống, húy Nạp.

Hoặc trong bia Trùng tu đại đình năm 1930, do Cử nhân, Tri phủ hưu trí Vũ Duy Đê soạn ngày 3 năm Bảo Đại thứ 8 (1932),(dựng ở đình làng Mộ Trạch) có bài minh rằng;

Nguyên do thần tổ

Đến từ Bắc phương

Giao Châu Đô hộ

Là thành hoàng làng

Phù dân giúp nước

Trừ tai, giáng tường

Làm đức thêm thịnh

Nhiều điều khó quên

Trước là lâu dài

Nay là đình Vũ

Nối đời thờ cúng

Làng có bài ca…

Có thể tự hào rằng trong lịch sử tồn tại và phát triển của dòng tộc Vũ – Võ hơn ngàn năm qua con cháu hậu duệ nhiều người từ làng Mộ Trạch (quê gốc) đã chuyển cư đến nhiều nơi khác nhau ờ trong nước và nước ngoài. Ra ít nhiều họ đều mang theo hoài niệm về quê gốc, về thuỷ tổ – thần tổ của họ mình. Thường đến nơi quê mới họ ghi lại hoài niệm đó trong gia phả như chi họ Đặng Vũ ở Hành Thiện, Nam Định; hoặc trong bia ký như chi họ Vũ ở làng Tám – Giáp Bát, xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội… Hoặc con cháu hậu duệ học cách táng treo theo truyền thống của tổ tiên, như họ Vũ ở Minh Tân thuộc Thuỷ Nguyên thành phố Hải Phòng. Cũng có một số nơi các thế hệ kế tiếp nhau truyền khẩu từ ngày sinh, ngày hoá của Thần tổ để ghi nhớ về vị Thuỷ tổ họ Vũ.Đó là những dẫn chứng khá điển hình về việc hậu duệ không quên tổ tiên.

Như vậy, từ những huyền tích- huyền thoại và di tích lăng Thần, mộ Đống Rờm, Kiệt Đặc miếu thờ Vũ Hồn đã góp phần tôn vinh thần. Cùng với sự ghi chép trong chính sử và một số sách như phả đồ, gia phả, tộc phả họ Vũ viết trên giấy hay khắc lên bia đá từ cuối đời nhà Trần(đầu thế kỷ XIV) đến giữa thế kỷ XX ở làng Mộ Trạch cũng như nhiều nơi khác, đều khách quan thừa nhận Vũ Hồn là thủy tổ – thần tổ của dòng họ Vũ (Võ) ở Việt Nam.

(PGS.TS. Vũ Duy Mền)

Xem chi tiết tại trang Web của họ Vũ (Võ)

http://hovuvovietnam.com/Huyen-tich-va-lich-su-Vu-Hon-Thuy-to-Than-to-Dong-ho-Vu-Vo-VN_tc_329_0_483.html
Chữ ký của Thanhsamkhach




 

Huyền tích và lịch sử Vũ Hồn - Thuỷ tổ, Thần tổ Dòng họ Vũ (Võ) VN

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
CLB Sử Học Trẻ Việt Nam :: NHÂN VẬT LỊCH SỬ :: Nhân Vật Lịch sử Việt Nam-
________________________________________________________________________
Copyright ©2007 - 2009, Forumotion
Suhoctre ©2007- 2009 Phát triển bởi thành viên Diễn đàn
BQT Diễn đàn: Châu Tiến Lộc - Nguyễn Thị Trang - Phạm Ngọc Thạch

Sáng lập viên : Châu Tiến Lộc, Nguyễn Hùng Sơn, Nguyễn Thái Bình
Email : suhoctre@gmail.com - Forum : http://suhoctre.no1.vn
Xem trang web này tốt nhất với độ phân giải 1024x768 (hoặc cao hơn) với Firefox 3.0


Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất