CLB Sử Học Trẻ Việt Nam
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


CLB Sử Học Trẻ Việt Nam
 
Latest imagesTrang ChínhĐăng kýĐăng Nhập
DIỄN ĐÀN SỬ HỌC TRẺ - Điểm hẹn của những người đam mê Sử học từ khắp mọi miền Tổ quốc.
Most Viewed Topics
Chữ viết ở Đông Nam Á
Nguyễn Ái Quốc những hoạt động chủ yếu từ 1919-1930 và vai trò đối với CMVN
Tại sao giai cấp nông dân không thể là giai cấp lãnh đạo cách mạng?
Nguyên nhân chính của cao trào 30-31 là nguyên nhân nào ??
Điều lệ của Câu lạc bộ Sử học Trẻ; Nội quy của Forum Suhoctre
TỔ CHỨC BỘ MÁY NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT THỜI NGÔ - ĐINH - TIỀN LÊ
Tư sản dân quyền
Đặc điểm con người nhà văn Nam Cao
phong trào cách mạng 1936-1939 có mang tính dân tộc hay không?
Đặc điểm của cuộc cách mạng tư sản Anh thế kỉ XVII:

Share | 

 

 Đặc điểm ngoại giao truyền thống Việt Nam

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Đặc điểm ngoại giao truyền thống Việt Nam I_icon_minitimeSun May 23, 2010 5:55 pm

cogiao285hp
Lịch sử

Thành viên mới gia nhập

cogiao285hp

Thành viên mới gia nhập

Họ & tên Họ & tên : Vũ Thị Vân
Vai trò trong CLB Sử học Trẻ Vai trò trong CLB Sử học Trẻ : Thành viên
Ngày tham gia Ngày tham gia : 15/05/2010
Tổng số bài gửi Tổng số bài gửi : 3
Đến từ Đến từ : Hải Phòng
Sở trường/ Sở thích Sở trường/ Sở thích : Lịch sử
Điểm thành tích Điểm thành tích : 18
Được cám ơn Được cám ơn : 12

Bài gửiTiêu đề: Đặc điểm ngoại giao truyền thống Việt Nam

 
Việt Nam là nước có vị trí quan trọng trong giao lưu quốc tế. Việt Nam nằm ở trung tâm Đông Nam Á, phía Bắc giáp Trung Quốc, phía Tây và Tây Nam giáp Lào và Campuchia, phía Đông và phía Nam nhìn ra biển Thái Bình Dương. Do có vị trí khá thuận lợi nên Việt Nam từ sớm đã trở thành cầu nối giữa châu Á và Thái Bình Dương, giữa Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo, nơi giao điểm của các tuyến đường, các luồng hàng từ Bắc tới Nam và từ Đông sang Tây, là nơi gặp gỡ của các nền văn hóa, văn minh lớn, mà ngay từ sớm là văn minh Ấn Độ và văn minh Trung Quốc… Vì vậy mà trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, ngay từ sớm ông cha ta đã nhận thức rõ được hoạt động ngoại giao có vai trò và vị trí vô cùng quan trọng. Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, ngoại giao đã góp phần tích cực vào việc bảo vệ quyền lợi quốc gia, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, đồng thời củng cố hòa bình và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước. Có thể thấy được nổi lên trong ngoại giao truyền thống của ông cha ta có những đặc điểm sau:
* Ngoại giao Việt Nam về bản chất là ngoại giao giữ nước và cứu nước, giữ độc lập, chủ quyền, chống xâm lược, kiên trì đấu tranh cho các mục tiêu cơ bản của dân tộc “Ngoại giao Việt Nam về bản chất là ngoại giao giữ nước và cứu nước, chống xâm lược” [2; tr3], được chỉ đạo bằng những tư tưởng chiến lược lớn đã được tổ tiên ta tổng kết như “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” (Lý Thường Kiệt), hay trong “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi là tư tưởng “Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo” và “Ta mưu đánh vào lòng, không chiến mà cũng thắng”…
Chính sách đối ngoại tự chủ, cứng rắn là nguyên tắc nhất quán của tổ tiên ta. Mỗi một hành động nội trị, ngoại giao đều thể hiện tinh thần đó. Ví như khi Ngô Quyền xây dựng triều đình theo thể chế của một vương triều độc lập, định phẩm phục, nghi lễ riêng là tỏ rõ ý thức dân tộc mạnh mẽ, độc lập với “thiên triều”. Hay câu nói của Lê Thánh Tông khi dặn dò sứ giả: “Một thước núi, một tấc sông của ta không nên vất bỏ, ngươi nên cố cãi, chớ cho họ lấn dần, nếu họ không nghe còn có thể sai quan sang sứ Bắc triều bày tỏ phải trái. Nếu ngươi dám lấy một thước, một tấc đất của Thái Tổ mà đút mồi cho giặc thì tội phải tru di”… Đó là những dẫn chứng tiêu biểu cho thái độ cứng rắn, không khoan nhượng của tổ tiên ta đối với quyền lợi tối cao của đất nước.
Trong lịch sử bang giao của nước ta, bang giao với phong kiến Trung Quốc là đặc biệt quan trọng. Với tư cách là một nước lớn, đã từng đồng hóa nhiều dân tộc và chinh phục nhiều nước xung quanh, “giai cấp phong kiến Trung Hoa thường đối xử với các nước nhỏ thái độ trịch thượng và khinh miệt” [1; tr315] và tham vọng bành trướng lãnh thổ… Dân tộc Việt Nam ta vốn có truyền thống yêu nước và tinh thần hòa bình, đã luôn tìm mọi cách để tránh chiến tranh và duy trì hòa bình. Với ý chí cương quyết không để mất độc lập tự do, dân tộc ta luôn sẵn sàng giữ thể diện cho nước lớn, tôn trọng họ, sẵn sàng nộp cống, xưng thần để giữ tình hòa hiếu. Đấy là những hành động rất mềm dẻo và uyển chuyển thực hiện yêu cầu căn bản của mình là độc lập tự do và sự toàn vẹn của lãnh thổ. Thế nhưng một khi chúng ta tìm mọi cách để cứu vãn hòa bình nhưng kẻ thù không dứt bỏ tham vọng bành trướng, cố tình gây chiến tranh xâm lược thì toàn thể dân tộc Việt Nam một lòng một dạ đứng lên chiến đấu, cùng nhau bảo vệ Tổ Quốc.
“Đối với những vấn đề thuộc về nguyên tắc, thái độ của ta là “cương” và đấu tranh ngoại giao rất kiên trì” [3; tr306]. Để làm cơ sở, làm chỗ dựa cho thái độ “cương” - cứng rắn, trong ngoại giao với địch, ông cha ta luôn cương quyết trong cả hành động. Đánh trả mãnh liệt hành động xâm lược của địch trên mặt trận quân sự, trên lĩnh vực đấu tranh ngoại giao, ta cũng không ngừng tranh thủ thời cơ để tiến công mạnh quân thù”. Đó là những hành động thể hiện tính “cương” trong đấu tranh ngoại giao của tổ tiên ta từ thời Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, đến Quang Trung. Ví dụ cho luận điểm này ta xem xét ngoại giao thời nhà Lý. Vua Lý Thái Tổ và các vua kế vị luôn tiếp tục duy trì mối bang giao hữu hảo với Trung Quốc. Nhưng đứng trước quyết tâm xâm lược của nhà Tống thì sách lược ngoại giao của ông cha ta không chỉ dừng lại ở chỗ chấp nhận nộp cống vật và dùng lời nói ôn hòa, mà trong trường hợp này, ngoại giao phải dựa thêm vào sức mạnh vật chất của đất nước, trước hết là sức mạnh quân sự. Biết cuộc chiến tranh của nhà Tống xâm lược nước ta là không thể tránh khỏi, thái úy Lý Thường Kiệt chủ trương “ngồi yên đợi giặc không bằng đem quân ra trước để chặn mũi nhọn của giặc” cùng với chiến công chặn đứng mũi tiến công của 30 vạn quân xâm lược Tống vào năm 1077 đã là cơ sở để nhà Lý thực hiện việc “dùng biện sĩ để bàn hòa, không nhọc tướng ta, khỏi tốn máu mủ mà bảo an được tông miếu”. “Ngoại giao thời nhà Lý đã nêu lên bài học về sự tác động khăng khít giữa quân sự và ngoại giao. Ngoại giao phải phục vụ cho sự nghiệp độc lập và hòa bình, giúp vào việc chiến thắng trên mặt trận quân sự và quân sự phải thực tế đem lại sức mạnh cho ngoại giao, chiến thắng quân sự ở chiến trường quyết định thắng lợi trên bàn thương lượng của ngoại giao” [1; tr321]…
Tuy nhiên, đối tượng đấu tranh của ta luôn là một nước phong kiến lớn mạnh hơn (Trung Quốc), nên “muốn đạt thắng lợi, không chỉ có “cương”, mà còn phải có sách lược khôn khéo, mềm dẻo”, do đó hai mặt “cương” và “nhu” luôn đi liền với nhau, “nhu” là để phục vụ “cương”. Vì vậy các triều vua ta tuy “nuôi dân dựng nước có quy mô riêng, nhưng ở trong thì xưng đế, mà đối với ngoài thì xưng vương”, bề ngoài tỏ ra thần phục, chịu nộp cống, nhận phong tước hiệu nhằm không để cho phong kiến phương Bắc kiếm cớ xâm lược nước ta. Đặc biệt là sau khi thua trận, do muốn giữ thể diện cho nước lớn, phong kiến Trung Quốc thường gây lại chiến tranh để phục thù, do vậy “sách lược “nhu” về ngoại giao của ta có tác dụng vớt vát phần nào thể diện của “thiên triều”, ngăn chặn âm mưu phục thù và tiến tới đè bẹp hoàn toàn ý chí xâm lược của địch” [3; tr307]. Những hành động ngoại giao đó không hề làm tổn hại các quyền lợi tối cao của dân tộc, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân ta xây dựng lại đất nước, ổn định cuộc sống, tránh được nạn binh lửa liên miên, khôi phục quan hệ hòa hiếu giữa hai nước… Ta lại thấy đặc điểm này thể hiện trong ngoại giao của nhà Lý. Sau khi chiến tranh chống Tống kết thúc, vua Lý vẫn cử sứ giả sang giao lưu với nước Tống. Quan hệ giữa hai nước đi vào thời kỳ bình thường, thân thiện. Có thể đánh giá, về chính sách đối ngoại triều Lý luôn thực hiện nguyên tắc giữ vững độc lập, tự chủ, do đó làm thất bại hành động xâm lược của nhà Tống, thu phục được Chiêm Thành, đánh tan các cuộc tấn công cướp phá của Chân Lạp. Sức mạnh về quân sự, chính trị và chính sách ngoại giao mềm dẻo, linh hoạt của nhà Lý đã khiến triều đình nhà Tống phải nể trọng Đại Việt, từ sau cuộc chiến tranh xâm lược năm 1076 – 1077, nhà Tống không dám có thêm cuộc tấn công nào vào Đại Việt…
*Vừa đánh vừa đàm, kết hợp quân sự với ngoại giao, “mưu phạt tâm công”, trở thành truyền thống ngoại giao lâu đời của ông cha ta
“Ngoại giao và quân sự là hai lĩnh vực đấu tranh theo một phương châm chiến lược” [2; tr3]. Ngoại giao góp phần tạo điều kiện cho thắng lợi của quân sự và quân sự có ý nghĩa quyết định tới thắng lợi của ngoại giao. “Ngoại giao không những được coi là một trong những “phương châm lừa đánh địch” như Nguyễn Trãi đã nói mà tổ tiên ta còn tiến hành các hoạt động ngoại giao ngay trong quá trình cuộc chiến” [3; tr313]. Ngoại giao phục vụ trực tiếp các nhiệm vụ chiến lược và chiến đấu xen kẽ , hỗ trợ đắc lực cho các hoạt động quân sự. Đấu tranh ngoại giao và đấu quân sự kết hợp với nhau chặt chẽ nhằm đạt các mục tiêu cụ thể. Trong chiến tranh giải phóng dân tộc, tổ tiên ta đã vận dụng rất sáng tạo và linh hoạt sách lược vừa tiến công quân sự, vừa tiến đánh hòa đàm thương lượng với địch. Nếu như ở giai đoạn đầu của cuộc khởi nghĩa, hòa đàm có tác dụng hạn chế sự vây quét của địch, che dấu lực lượng và những khó khăn tạm thời của ta, thì ở các giai đoạn sau, khi tương quan lực lượng có lợi cho ta, hoạt động ngoại giao và quân sự càng kết hợp rất chặt chẽ nhằm dồn địch vào thế “trí cùng lực kiệt” để tiến lên hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Trong lịch sử ngoại giao nước ta, các hoạt động ngoại giao thời kỳ Lê Lợi lãnh đạo nhân dân ta đánh đuỏi giặc Minh xâm lược đê lại những bài học vô cùng quý báu. Đây là thời kỳ Bộ tư lệnh nghĩa quân Lam Sơn đã kiên trì đấu tranh ngoại giao kết hợp với đấu tranh quân sự để đánh thắng giăc, chủ trương đó là “Ta đánh vào lòng, không chiến mà cũng thắng”. Trong gần một chục năm tiến hành cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418 – 1427), Bộ tư lệnh nghĩa quân đã tích cực thực hiện việc “đánh vào lòng địch” với hai hình thức chủ yếu: dụ hàng các tướng lĩnh, binh sĩ địch và ngụy quân ở các thành, thực hiện hòa đàm, khi thì để hòa hoãn tạm thời với địch để bảo toàn lực lượng, khi ưu thế đã thuộc về nghĩa quân thì dùng lý để buộc địch phải chấm dứt chiến tranh, rút quân về nước.
Nguyễn Trãi là một nhà ngoại giao nổi tiếng của thời kỳ này. Ông đã kiên trì hòa đàm với địch. Đây là một hình thức đấu tranh ngoại giao kết hợp với đấu tranh quân sự, mang lại hòa bình cho đất nước, tạo cơ sở cho quan hệ giao hảo giữa hai nước sau khi chiến tranh kết húc.
Bộ tư lệnh nghĩa quân Lam Sơn là những người đã sử dụng linh hoạt và tài giỏi, có hiệu quả phương thức “vừa đánh vừa đàm”, đàm mà không ngừng đánh hoặc chuẩn bị đánh, đánh mà không bỏ đàm, “vừa đánh vừa đàm” cho tới khi địch phải chấp nhận thất bại và rút quân về nước. Đây là một nét đặc sắc trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta và trong ngoại giao truyền thống Việt Nam.
*Chính sách ngoại giao hòa hiếu, thân thiện, hữu nghị với các nước cũng là một trong những đặc điểm ngoại giao truyền thống của dân tộc Việt Nam
Hòa bình, hòa hiếu là cốt lõi của ngoại giao Việt Nam. Ngoại giao Việt Nam luôn thấm nhuần chủ nghĩa nhân văn. Mặc dù luôn phải chiến đấu chống lại các cuộc chiến tranh xâm lược tàn khốc, nhưng con người Việt Nam vẫn giàu lòng nhân ái, trọng đạo lý, nghĩa tình, không nuôi hận thù, sau chiến tranh vẫn muốn: “Sửa hòa hiếu cho hai nước tắt muôn đơi chiến tranh”. Ngay sau khi các cuộc chiến đấu chống ngoại xâm thắng lợi, đặc biệt là đối với kẻ địch phong kiến Trung Quốc, ông cha ta vẫn luôn ngoại giao mềm dẻo, có sách lược bằng việc cử sứ giả sang giao hảo hòa hiếu. Ví như ngay sau khi kháng chiến chống Minh thắng lợi, Lê Lợi lên làm Vua, lập nên nhà Lê, các Vua nhà lê vẫn kiên trì chính sách ngoại giao truyền thống của ông cha: kiên quyết bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nhưng coi trọng việc giữ hòa hiếu với Trung Quốc, và điều này thể hiện rõ hơn trong lời nói trên của Nguyễn Trãi.
Đối với các nước khác trong khu vực, chủ trương của cha ông ta luôn là giao hảo, thân thiện. Đôi khi cũng đã xảy ra xung đột với Chiêm Thành và Ai Lao, nhưng phần lớn ta đều sử dụng sức mạnh vũ trang để dập tắt xung đột, sau đó lại xây dựng mối quan hệ hữu hảo như trước, cuộc hôn nhân giữa Huyền Trân công chúa thời Trần với Vua Chămpa là Chế Mân, hay chuyện Chiêu Quân cống Hồ là những câu chuyện cho ngoại giao giao hảo thân thiện đó…
* Ông cha ta luôn chủ động và tiến công trong đấu tranh ngoại giao. Đây là một đặc trưng trong công tác đấu tranh ngoại giao của tổ tiên ta. Trong chiến đấu, có khi ta phải tạm thời rút lui để bảo toàn lực lượng, nhưng tổ tiên ta cũng lại rất chủ động tiến công địch về mặt ngoại giao. “Tiến công ngoại giao để giành ngọn cờ chính nghĩa, bóc trần các chiêu bài, luận điệu lừa bịp, mị dân của địch và che giấu những khó khăn, nhược điểm của ta, tạo ra một tình hình “hư hư thực thực” mà địch không tài nào đoán được” [3; tr315]. Tiến công ngoại giao còn làm cho địch chủ quan dẫn đến những sai lầm trong cách bày binh bố trận. Khi thế lực của ta đã vững mạnh, tiến công ngoại giao nhằm làm suy sụp tinh thần chiến đấu và đập tan ý chí xâm lược của địch…
Nhiều hoạt động ngoại giao của tổ tiên ta thể hiện tính chủ động và tiến công, nhất là khi địch bị thất bại nặng trên chiến trường. Chính trong tình hình đó, ngoại giao chủ động đưa ra giải pháp để kết thúc chiến tranh và địch dễ dàng chấp nhận. Các vị sứ thần của ta mang tinh thần quật cường của dân tộc, thể hiện khí phách hiên ngang và tiến công ngoại giao ngay trong sào huyệt địch mà không ngại hy sinh như Đỗ Khắc Chung trong doanh trại Ô Mã Nhi, Nguyễn Biểu trước mặt Trương Phụ, Giang Văn Minh trước triều Minh…
Tóm lại, tính chủ động và tiến công trong đấu tranh ngoại giao của tổ tiên ta bắt nguồn từ tinh thần bất khuất của dân tộc, từ tính chất chính nghĩa của các cuộc chiến tranh giữ nước và do có sức mạnh của thắng lợi quân sự làm chỗ dựa. Trên tinh thần đó, ông cha ta đã sử dụng ngoại giao như một vũ khí sắc bén, lợi hại để đem lại thắng lợi to lơn cho dân tộc một cách ít tổn hại nhất.
* Giương cao ngọn cờ chính nghĩa, nắm vững tình hình địch là một trong những đặc điểm của ngoại giao truyền thống Việt Nam
Công tác ngoại giao là một mặt trận có tính chất chiến lược trong cuộc đấu tranh lâu dài, quyết liệt chống xâm lược. Do vậy cần nắm vững tình hình địch, ông cha a luôn lợi dụng từng khe hở trong đường lối và chủ trương của địch, khoét sâu điểm yếu cơ bản của địch là tính chất phi nghĩa trong chiến tranh. Đồng thời luôn đề cao tính chất chính nghĩa của ta “lấy đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chi nhân để thay cường bạo”, nắm vững ngọn cờ hòa bình, độc lập dân tộc, kết hợp chặt chẽ tính cứng rắn về nguyên tắc với tính linh hoạt, mềm dẻo về sách lược, giành thắng lợi từng bước trong đấu tranh ngoại giao là cần thiết và thích hợp với một nước đất không rộng người không đông lại phải đương đầu với những kẻ thù lớn mạnh hơn mình rất nhiều, nhằm đạt tới mục đích cuối cùng là độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
* Nhà ngoại giao giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện các đường lối, chính sách ngoại giao của nhà nước truyền thống cũng như ngày nay.Ngày xưa, trong bộ máy nhà nước không có cơ quan chuyên trách ngoại giao. Đấu tranh ngoại giao của tổ tiên ta trong thời chiến cũng như thời bình thường được giao cho các văn quan, võ tướng làm sứ giả hoặc tiếp sứ phương Bắc. Đường lối, chính sách ngoại giao phải thông qua nhà ngoại giao mới trở thành hiện thực. Do tính chất công tác ngoại giao rất khó khăn, phức tạp và nguy hiểm, cho nên việc cử sứ giả thường được ông cha ta lựa chọn những người có đủ đức tài để đảm đương trọng trách đó.Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, chúng ta có rất nhiều nhà ngoại giao có tài năng kiệt xuất và tư cách, phẩm chất thiên tài. Cha ông ta luôn tuyển lựa những nhà ngoại giao là những người có trình độ văn hóa cao và có tài ứng đối siêu phàm. Họ còn là những con người thông minh, nhạy bén về chính trị, dũng cảm trong mọi khó khăn, biết rõ đối phương và tuyệt đối trung thành với đất nước…Lê Văn Thịnh (thế kỷ XI), Đỗ Khắc Chung (thế kỷ XIII), Mạc Đĩnh Chi (thế kỷ XIV), Nguyễn Trãi (thế kỷ XV), thế kỷ XVI có Phùng Khắc Khoan, Giang Văn Minh (thế kỷ XVII), thế kỷ XVIII có Lê Quý Đôn, Ngô Thì Nhậm (cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX)… là những ví dụ cụ thể, họ đều là những nhà ngoại giao giỏi, có tài ứng phó nhanh, làm cho kẻ đối thoại phải kính phục.
Trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, ngoại giao đã có một vai trò và vị trí vô cùng quan trọng. Cùng với đấu tranh quân sự, hoạt động ngoại giao của tổ tiên ta không những làm thất bại các mưu đồ xâm lược của các thế lực ngoại bang. Những đặc điểm cốt lõi của ngoại giao truyền thống Việt Nam là niềm tự hào của dân tộc ta, thể hiện phong cách của ngoại giao Việt Nam. “Đó là nền ngoại giao của một dân tộc anh hùng, đấy tính chiến đấu, đồng thời là nền ngoại giao của một dân tộc yêu chuộng hòa bình, muốn có quan hệ hữu hảo, láng giềng và tỏ rõ tính khoan dung, đại lượng, đức độ truyền thống của dân tộc Việt Nam”.

MỘT SỐ TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Bộ ngoại giao, Ngoại giao Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000
2. Đinh Xuân Lâm, Vũ Trường Giang, Tìm hiểu một số đặc điểm của ngoại giao Việt Nam thời phong kiến, tạp chí nghiên cứu Đông Nam Á 4/2004
3. Ngoại giao Việt Nam từ thuở dựng nước đến trước Cách mạng tháng Tám 1945, Học viện quan hệ quốc tế, Hà Nội, 2001
Chữ ký của cogiao285hp





Đặc điểm ngoại giao truyền thống Việt Nam I_icon_minitimeSun May 23, 2010 7:29 pm

ChauTienLoc
SV ngành Quản lý Nhà nước - Học viện Hành chính Quốc gia

CỐ VẤN CHUYÊN MÔN

ChauTienLoc

CỐ VẤN CHUYÊN MÔN

https://suhoctre.forumvi.net
Họ & tên Họ & tên : CHÂU TIẾN LỘC
Vai trò trong CLB Sử học Trẻ Vai trò trong CLB Sử học Trẻ : Sáng lập viên, Cựu Chủ nhiệm CLB Sử học Trẻ (từ tháng 06/2008 đến 01/2011)
Huy chương Cống hiến Huy chương Cống hiến : Đặc điểm ngoại giao truyền thống Việt Nam 42
Huy chương thành tích Huy chương thành tích : Đặc điểm ngoại giao truyền thống Việt Nam Laodong1 Đặc điểm ngoại giao truyền thống Việt Nam DHVgioi Đặc điểm ngoại giao truyền thống Việt Nam Medal124 Đặc điểm ngoại giao truyền thống Việt Nam 36Đặc điểm ngoại giao truyền thống Việt Nam 40Đặc điểm ngoại giao truyền thống Việt Nam 102Đặc điểm ngoại giao truyền thống Việt Nam 68
Ngày tham gia Ngày tham gia : 17/06/2008
Tổng số bài gửi Tổng số bài gửi : 823
Đến từ Đến từ : TP. Hồ Chí Minh
Sở trường/ Sở thích Sở trường/ Sở thích : SV ngành Quản lý Nhà nước - Học viện Hành chính Quốc gia
Điểm thành tích Điểm thành tích : 1969
Được cám ơn Được cám ơn : 665

Bài gửiTiêu đề: Re: Đặc điểm ngoại giao truyền thống Việt Nam

 
Bài này hay quá !
Đúng vậy nền ngoại giao VN “Đó là nền ngoại giao của một dân tộc anh hùng,đấy tính chiến đấu, đồng thời là nền ngoại giao của một dân tộc yêu chuộng hòa bình, muốn có quan hệ hữu hảo, láng giềng và tỏ rõ tính khoan dung, đại lượng, đức độ truyền thống của dân tộc Việt Nam”.
Chữ ký của ChauTienLoc




 

Đặc điểm ngoại giao truyền thống Việt Nam

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
CLB Sử Học Trẻ Việt Nam :: TRI THỨC PHỔ THÔNG :: Lịch sử-
________________________________________________________________________
Copyright ©2007 - 2009, Forumotion
Suhoctre ©2007- 2009 Phát triển bởi thành viên Diễn đàn
BQT Diễn đàn: Châu Tiến Lộc - Nguyễn Thị Trang - Phạm Ngọc Thạch

Sáng lập viên : Châu Tiến Lộc, Nguyễn Hùng Sơn, Nguyễn Thái Bình
Email : suhoctre@gmail.com - Forum : http://suhoctre.no1.vn
Xem trang web này tốt nhất với độ phân giải 1024x768 (hoặc cao hơn) với Firefox 3.0


Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất