CLB Sử Học Trẻ Việt Nam
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


CLB Sử Học Trẻ Việt Nam
 
Latest imagesTrang ChínhĐăng kýĐăng Nhập
DIỄN ĐÀN SỬ HỌC TRẺ - Điểm hẹn của những người đam mê Sử học từ khắp mọi miền Tổ quốc.
Most Viewed Topics
Chữ viết ở Đông Nam Á
Nguyễn Ái Quốc những hoạt động chủ yếu từ 1919-1930 và vai trò đối với CMVN
Tại sao giai cấp nông dân không thể là giai cấp lãnh đạo cách mạng?
Nguyên nhân chính của cao trào 30-31 là nguyên nhân nào ??
Điều lệ của Câu lạc bộ Sử học Trẻ; Nội quy của Forum Suhoctre
TỔ CHỨC BỘ MÁY NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT THỜI NGÔ - ĐINH - TIỀN LÊ
Tư sản dân quyền
phong trào cách mạng 1936-1939 có mang tính dân tộc hay không?
Đặc điểm con người nhà văn Nam Cao
Đặc điểm của cuộc cách mạng tư sản Anh thế kỉ XVII:

Share | 

 

 Ngày lễ Độc lập 2/9/1945 qua con mắt người nước ngoài

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Ngày lễ Độc lập 2/9/1945 qua con mắt người nước ngoài I_icon_minitimeFri Feb 05, 2010 5:36 pm

quan 121212

Thành viên cấp 2

quan 121212

Thành viên cấp 2

http://me.zing.vn/nguyenminhquan25/profile
Họ & tên Họ & tên : Nguyễn Minh Quân
Vai trò trong CLB Sử học Trẻ Vai trò trong CLB Sử học Trẻ : Nguyên Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ
Huy chương Cống hiến Huy chương Cống hiến : Ngày lễ Độc lập 2/9/1945 qua con mắt người nước ngoài 41
Huy chương thành tích Huy chương thành tích : Ngày lễ Độc lập 2/9/1945 qua con mắt người nước ngoài DHVgioi
Ngày tham gia Ngày tham gia : 21/07/2009
Tổng số bài gửi Tổng số bài gửi : 71
Đến từ Đến từ : Hà Nội
Điểm thành tích Điểm thành tích : 302
Được cám ơn Được cám ơn : 85

Bài gửiTiêu đề: Ngày lễ Độc lập 2/9/1945 qua con mắt người nước ngoài

 
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, một sự kiện trọng đại của lịch sử Việt Nam. Trong biển người tham dự và chứng kiến buổi lễ lịch sử này, có mặt một số người nước ngoài, trong đó có viên sĩ quan tình báo Mỹ, Archimedes L.A Patti.

Thiếu tá Archimedes L.A Patti chính là người chỉ huy đơn vị OSS (Office of Strategic Services - Cơ quan phục vụ chiến lược Mỹ) đến Hà Nội vào buổi chiều ngày 22/8/1945 với nhiệm vụ thu thập tin tức tình báo, trợ giúp và phối hợp với quân đội Trung Hoa Dân Quốc (Quân đội Tưởng Giới Thạch) tổ chức giải giáp quân đội phát xít Nhật bại trận và giải quyết vấn đề tù binh chiến tranh. Là một sĩ quan tình báo, một quân nhân Mỹ, nhưng Patti lại có một cái nhìn đúng đắn và sáng suốt về Chủ tịch Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam. Ngay trong lần gặp gỡ đầu tiên với Hồ Chí Minh trong một ngôi làng nhỏ có tên Chin Chou Chieh ở Tĩnh Tây, Quảng Tây, Trung Quốc ngày 27/4/1945 để bàn về việc phối hợp hoạt động chống Nhật giữa Mặt trận Việt Minh và OSS, Patti đã có một ấn tượng sâu sắc và một cảm tình đặc biệt trước trí tuệ uyên bác và phong cách ngoại giao giản dị mà đầy sức thuyết phục của Hồ Chí Minh. Trong thiên hồi ký "Why Việt Nam?" (Tại sao Việt Nam?) được xuất bản ba mươi lăm năm sau, Patti có kể lại cảm xúc của mình trong lần gặp đó như sau: "… Mặc dù tôi đã tỏ ra khách quan và thận trọng một cách cố ý, không để mình dính vào những khía cạnh chính trị của vấn đề Đông Dương, nhưng sự chân thành và sự hùng biện của ông Hồ đã gây cho tôi một ấn tượng khó phai mờ được. Ông Hồ không hiện lên đối với tôi như một nhà cách mạng không thực tế hay một người cấp tiến cuồng nhiệt, theo đuổi những lời nói rập khuôn, hét to đường lối của Đảng, hay thiên về phá hoại mà không có kế hoạch xây dựng lại. Đó là một con người thông minh, thấu hiểu những vấn đề của đất nước mình, một con người biết điều và tinh tế. Tôi cũng cảm thấy có thể tin cậy ông như một bạn đồng minh chống người Nhật. Tôi biết mục tiêu cuối cùng của ông là giành được sự ủng hộ của Mỹ đối với sự nghiệp của nước Việt Nam tự do và thấy rằng ước mơ ấy không trái ngược với chính sách của Mỹ. Từ một quan điểm thực tiễn, ông Hồ và Việt Minh hiện ra như một câu giải đáp cho vấn đề trước mắt của tôi là tiến hành các hoạt động ở Đông Dương…". Và như chúng ta đã biết, chính ấn tượng tốt đẹp này đã dẫn đến những sự hợp tác hết sức nhiệt thành và hiệu quả trong các hoạt động phối hợp chống phát xít Nhật giữa Mặt trận Việt Minh và tổ chức OSS thời kỳ Cách mạng Tháng Tám.

Trong thời gian ở Hà Nội, Patti đã có những hành động thiết thực để thể hiện cảm tình của mình (tình cảm đó đã đi suốt cuộc đời ông và đã được ông thể hiện trong trang viết của cuốn hồi ký "Why Việt Nam?", trong Tham luận tại Hội thảo Quốc tế về "Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới" do UNESCO tổ chức tại Hà Nội, năm 1990 và trong những lần đến Việt Nam để gặp một người bạn mà ông rất kính trọng là Đại tướng Võ Nguyên Giáp): nhận chuyển giúp một số Thư, Điện của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Mỹ, đứng ra làm trung gian cho các cuộc tiếp xúc Việt - Pháp đầu tiên vào tháng 9/1945 và viết những bản báo cáo trung thực, khách quan về tình hình Việt Nam gửi lên cấp trên của mình. Chính vì vậy, Patti đã dành được sự thân thiện và tình cảm đặc biệt của những nhà cách mạng Việt Nam, nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mặc dù vô cùng bận rộn, nhưng Người đã dành nhiều thời gian để trao đổi, tâm sự với Patti và thực sự coi Patti như một người bạn. Trước ngày Lễ Độc lập, chính Patti là người được Chủ tịch Hồ Chí Minh cho xem và trao đổi ý kiến về nội dung của bản Tuyên ngôn Độc lập do Người soạn thảo. Ngày 2/9/1945, cùng với nhóm công tác của mình, Patti đã có mặt tại Quảng trường Ba Đình và đã miêu tả một cách chi tiết, sinh động và hấp dẫn về sự kiện lịch sử này trong những viết của thiên hồi ký "Why Việt Nam?" (Tại sao Việt Nam):

"… Ngày chủ nhật đầu tiên trong tháng Chín là ngày lễ các thánh tử vì đạo của riêng hơn một triệu dân theo Thiên chúa giáo ở Bắc Việt Nam. Có thể cũng là một sự trùng hợp ngẫu nhiên mà Hồ Chí Minh đã chọn ngày đó làm Ngày lễ Độc lập. Tại các nhà thờ Thiên Chúa giáo, cũng như các nhà chùa Phật giáo, buổi lễ vẫn tiến hành long trọng, các bài thuyết pháp có thêm ý nghĩa chính trị ủng hộ chính phủ mới thành lập và nền Độc lập của Việt Nam.

Từ sớm tinh mơ, dân chúng Hà Nội như các bầy ong, từng đoàn lúc lớn lúc nhỏ, lũ lượt dần dần kéo đến cạnh Quảng trường Ba Đình.

Ở nhiều chỗ là một khối dân chúng ở các làng ngoại ô. Đi theo trong biển người đó, có cả những toán nhân dân miền núi với y phục địa phương của họ, và nông dân trong những bộ khăn áo cổ truyền.

Giữa các khối khác nhau, người ta dễ dàng nhận ra các tổ chức của công nhân, sơ mi trắng, quần dài hoặc quần soóc trắng hoặc xanh. Phụ nữ mặc áo dài trắng hoặc màu sáng, tay khoác nón.

Cho đến tận trưa, cả toán OSS của chúng tôi lăn lộn ngoài phố, chụp ảnh ghi chép về các nhóm người, các sự kiện, các khẩu hiệu, biểu ngữ, áp phích… Có khẩu hiệu bằng tiếng Pháp, Anh, một số bằng tiếng Việt Nam: "Việt Nam của người Việt Nam", "Hoan nghênh Đồng Minh" , "Hoan nghênh Phái đoàn Mỹ", "Thà chết, không nô lệ"…

Khoảng trưa, Knapp Bermque Grelecki và tôi đi về phía Quảng trường Ba Đình. Tôi đã quyết định từ chối lời mời của ông Hồ đến khu vực Lễ đài dành cho quan khách, để đi xem buổi lễ như một người quan sát trong quần chúng. Chúng tôi chọn được một địa điểm thuận lợi ngay trước lễ đài, giữa đám viên chức địa phương.

Trong khi chờ đợi ông Hồ và các quan chức tuỳ tùng tới, tôi nhìn thấy một toán cố đạo Thiên chúa giáo mặc áo thầy tu trắng và xanh đen, có cả chức sắc mang khăn quàng và dải viền đỏ.

… Cách họ không xa, là các nhà sư Phật giáo khoác cà sa màu da cam, rồi đến các chức sắc Cao Đài, áo dài trắng có tua và khăn quàng sặc sỡ.

Đội danh dự và công tác baỏ vệ được giao cho bộ đội bảo vệ của Võ Nguyên Giáp và Chu Văn Tấn, lực lượng được huấn luyện, trang bị, có kỷ luật nhất của họ. Mũ bấc, đồng phục ka ki, quần soóc, tất cao, họ trưng bày các vũ khí mới một cách hãnh diện, lúc trong tư thế "đứng nghiêm", "lúc nghỉ". Ở đó còn có các đơn vị tự vệ dân quân, mặc lẫn lộn quần áo nhà binh Pháp hoặc Nhật hoặc quần áo ngắn xanh hay đen, mang theo mọi loại vũ khí cũng lộn xộn từ súng kíp, gươm, dao dựa, mã tấu có cán gỗ dài và cả gậy tày… có thứ hình như họ mới lấy ở đình, chùa ở các làng ra. Tất cả dựng lên một cảnh tượng sinh động đến kinh ngạc.

Mặt trời đã lên cao. Không khí oi bức, nhưng đôi lúc cũng có cơn gió nhẹ thổi làm phất phới cả cái biển cờ trên quảng trường. Cao trên cột trước lễ đài, lá cờ đỏ với ngôi sao vàng lớn phấp phới bay.

Bất chợt có tiếng còi và các hiệu lệnh quân sự phát ra từ các đội hình. Đội danh dự và các đơn vị bộ đội đứng thẳng và chăm chú theo dõi có người đã bắt đầu xuất hiện trên lễ đài. Mấy phút sau, nổi lên tiếng hô "Bồng súng chào!". Quần chúng bỗng im lặng trong khi các vị chức quyền tìm chỗ đứng vào đường sau cái bao lơn được trang trí bằng màu trắng và đỏ. Trên lễ đài, mọi người đều bận đồ trắng, thắt cavát và để đầu trần, trừ một người nhỏ nhắn mặc áo kaki màu sẫm và có cái gì như cái khăn trùm đầu - Đó là Hồ Chí Minh.

Lê Xuân, nguyên là người liên lạc của chúng tôi đã đến và sẵn sàng bình luận nhận xét. Ông cũng đi một vòng và cho rằng quần chúng hết sức tò mò và quan tâm đến vị lãnh đạo "mới" của Chính phủ. Mọi người đều muốn biết "Ông Hồ Chí Minh bí ẩn này là ai? Ông ở đâu về?".

Nhưng không phải chỉ có người Việt Nam mới không quen thuộc với cái tên đó đâu. Ngay cả đến cơ quan Bộ Ngoại giao chúng ta (tức Bộ Ngoại giao Mỹ) ở Côn Minh và Trùng Khánh cũng không biết gì về vấn đề này, mặc dù đã có nhiều báo cáo cụ thể của tôi. Một tháng sau, khi đọc công văn của Sprouse, lãnh sự ở Côn Minh, tôi ngạc nhiên thấy còn nói đến "Ho Chi Minh". Lúc đó ai cũng nghĩ rằng đã biết tên thật của ông Hồ.

Một tiếng trong loa phóng thanh nổi lên phá vỡ sự im lặng, giới thiệu ông Hồ "là người giải phóng, vị cứu tinh của dân tộc". Quần chúng đuợc sự hướng dẫn của các đảng viên, lên tiếng hát và trong mất phút liên hô vang "Độc lập". Ông Hồ đứng yên mỉm cười, nhỏ nhắn trong tầm cỡ, nhưng vĩ đại trong sự hoan hô của nhân dân ông. Ông giơ tay ra hiệu im lặng và bắt đầu đọc bản Tuyên ngôn nay trở thành nổi tiếng của ông với những lời:

"Mọi người sinh ra đều bình đẳng. Tạo hoá đã ban cho chúng ta những quyền bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền được hưởng hạnh phúc...

Ông Hồ dừng lại đột ngột và hỏi người nghe: "Đồng bào có nghe rõ tôi không?". Quần chúng hô vang đáp lại: "Rõ". Thực là một nghệ thuật diễn thuyết bậc thầy! Từ lúc đó, quần chúng nắm lấy từng lời. Chúng tôi không hiểu ông Hồ đã nói gì. Lê Xuân phải cố gắng lắm để dịch nhưng cũng rất khó khăn. Nhưng cứ nghe giọng nói của ông Hồ, bình tĩnh và rõ ràng, ấm cúng và thân mật, và nghe thấy được quần chúng trả lời thì chúng tôi không còn nghi ngờ gì nữa là ông đã thấu tới quần chúng.

Ông Hồ tiếp tục: "Những lời nói bất hủ này là từ trong bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776. Nói rộng ra điều đó có nghĩa là: Tất cả nhân dân trên trái đất này sinh ra đều bình đẳng; mọi dân tộc đều có quyền sống; hưởng hạnh phúc và được tự do".

Sau đó, quay về bản Tuyên ngôn của Cách mạng Pháp 1791, nói về quyền con người và quyền công dân, ông Hồ nói Bản Tuyên ngôn đã công bố: người sinh ra phải được tự do và có quyền bình đẳng. Đó là những chân lý không thể chối cãi được.

Đến khoảng hai giờ, ông Hồ kết thúc bản Tuyên ngôn và tiếp sau đó là Võ Nguyên Giáp nói về vai trò của Việt Nam, nhấn mạnh vào công tác của Đảng trong lĩnh vực chính trị - quân sự, phát triển kinh tế - xã hội, chương trình giáo dục và văn hoá… Sau bài diễn văn, các Bộ trưởng mới được chỉ định, từng người một được giới thiệu ra mắt nhân dân. Buổi lễ kết thúc bằng việc các Bộ trưởng tuyên bố nguyện trung thành và triệt để ủng hộ Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Mãi đến tận khuya hôm đó, báo chí địa phương mới cung cấp cho chúng tôi một bản nguyên văn lời tuyên bố của ông Hồ. Chúng tôi dịch và chuyển ngay bằng điện đài cho Côn Minh. Tôi cũng gửi kèm theo bằng đường hàng không bài tường thuật và nhận định của tôi…

Sau khi các phần thủ tục kết thúc, chúng tôi cũng phải mất đến ba mươi phút mới tìm đường ra khỏi được nơi tập trung. Nhờ đi tắt qua khu đường Thành được dành riêng, tránh được những phố đầy người, nên chúng tôi trở về nhà Gauthier đúng vào giờ bữa cơm chiều. Tôi đã mời tất cả những người Mỹ ở Hà Nội đến cơ quan để tham dự ngày lễ "Mười bốn tháng Bảy" lặng lẽ và không pháo hoa của người Việt Nam. Để đề phòng những chuyện xung đột có thể xảy ra giữa những người Việt Nam đang vui mừng hớn hở với những người Pháp đang tuyệt vọng để người Mỹ tránh khỏi các cuộc hỗn loạn, tôi đã yêu cầu Đại tá Nordlinger và Đại uý Mc Kay, Thủ trưởng toán AGAS, cùng với cả nhóm, đến ăn cơm cùng chúng tôi…

Đầu tháng 10/1945, cơ quan OSS đã bị Tổng thống Truman giải thể. Archimedes L.A Patti bị triệu hồi về Mỹ. Trước khi Patti lên đường, tối ngày 31/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời Patti dự bữa tiệc chia tay và dành cả buổi tối hôm đó để trò chuyện và tâm sự cùng Patti, một con người luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh quý mến và thực sự coi như một người bạn chân thành và thân thiết. Cuộc chia tay đã để lại trong hồi ức của Patti những ấn tượng không thể phai mờ. Ông kể rằng: "Ông Hồ tiễn tôi ra tận cửa ngoài, cảm ơn tôi đã tới và chịu nghe ông "diễn thuyết". Ông đặt hai tay lên vai tôi "Bon voyage" (Chúc lên đường may mắn), mong sớm quay trở lại, lúc nào ông cũng được chúng tôi hoan nghênh". Khi xe tôi nổ máy, tôi nhìn lại vẫn thấy bóng nhỏ nhắn của ông ở cửa, vẫy chào tạm biệt. Tôi sực nhớ lại, cuộc gặp gỡ đầu tiên của chúng tôi trong một tiệm trà ở Chiu Chou Chieh. Ông hiện ra mong manh đấy nhưng thực tế thật là bất khuất"./.
Chữ ký của quan 121212




 

Ngày lễ Độc lập 2/9/1945 qua con mắt người nước ngoài

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
CLB Sử Học Trẻ Việt Nam :: Vùng Giao Lưu - Học Hỏi - Giải Trí :: Chuyện lạ bốn phương-
________________________________________________________________________
Copyright ©2007 - 2009, Forumotion
Suhoctre ©2007- 2009 Phát triển bởi thành viên Diễn đàn
BQT Diễn đàn: Châu Tiến Lộc - Nguyễn Thị Trang - Phạm Ngọc Thạch

Sáng lập viên : Châu Tiến Lộc, Nguyễn Hùng Sơn, Nguyễn Thái Bình
Email : suhoctre@gmail.com - Forum : http://suhoctre.no1.vn
Xem trang web này tốt nhất với độ phân giải 1024x768 (hoặc cao hơn) với Firefox 3.0


Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất