CLB Sử Học Trẻ Việt Nam
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


CLB Sử Học Trẻ Việt Nam
 
Latest imagesTrang ChínhĐăng kýĐăng Nhập
DIỄN ĐÀN SỬ HỌC TRẺ - Điểm hẹn của những người đam mê Sử học từ khắp mọi miền Tổ quốc.
Most Viewed Topics
Chữ viết ở Đông Nam Á
Nguyễn Ái Quốc những hoạt động chủ yếu từ 1919-1930 và vai trò đối với CMVN
Tại sao giai cấp nông dân không thể là giai cấp lãnh đạo cách mạng?
Nguyên nhân chính của cao trào 30-31 là nguyên nhân nào ??
Điều lệ của Câu lạc bộ Sử học Trẻ; Nội quy của Forum Suhoctre
TỔ CHỨC BỘ MÁY NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT THỜI NGÔ - ĐINH - TIỀN LÊ
Tư sản dân quyền
Đặc điểm con người nhà văn Nam Cao
phong trào cách mạng 1936-1939 có mang tính dân tộc hay không?
Đặc điểm của cuộc cách mạng tư sản Anh thế kỉ XVII:

Share | 

 

 SƠ LƯỢC VỀ LỊCH SỬ CHAMPA

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
SƠ LƯỢC VỀ LỊCH SỬ CHAMPA I_icon_minitimeFri Jan 08, 2010 10:36 pm

Bahasa

Thành viên mới gia nhập

Bahasa

Thành viên mới gia nhập

Vai trò trong CLB Sử học Trẻ Vai trò trong CLB Sử học Trẻ : Thành viên
Ngày tham gia Ngày tham gia : 08/01/2010
Tổng số bài gửi Tổng số bài gửi : 4
Điểm thành tích Điểm thành tích : 13
Được cám ơn Được cám ơn : 4

Bài gửiTiêu đề: SƠ LƯỢC VỀ LỊCH SỬ CHAMPA

 
SƠ LƯỢC VỀ LỊCH SỬ CHAMPA

Jaya Bahasa
(Email: jayabahasa@gmail.com)
Vương quốc Champa hình thành và phát triển trên dải đất miền Trung Việt Nam và một phần Cao nguyên Trường Sơn (Lương Ninh : 3). Cơ sở vật chất của vương quốc Champa là từ văn hóa Sa Huỳnh và nền nông nghiệp trồng lúa nước nổi tiếng trong khu vực Đông Nam Á. Ngay từ nguyên sơ, Champa là quốc gia đa tộc người. Sự ra đời của vương quốc Champa vào cuối thế kỉ thứ II là kết quả của sự hợp nhất của hai bộ lạc lớn. Đó là bộ lạc Cau (Kramuka Vamsa) và bộ lạc Dừa (Nakirela Vamsa). Bộ lạc Cau cư trú ở khu vực Nam Champa trải dài từ Bình Định đến Đồng Nai còn bộ lạc Dừa sinh sống ở Bắc Champa kéo dài từ Bình Định ra đến Quảng Bình ngày nay.

Nhờ những khám phá của Khảo cổ học, qua bia kí viết bằng chữ Phạn cho biết về một triều vua đầu tiên của quốc gia này mà người sáng lập có tôn hiệu là Sri Mara. Bia cũng nói lên ảnh hưởng rất rõ rệt của văn hóa Ấn Độ, vai trò của các tăng lữ Ấn Độ đối với sự phát triển tôn giáo, và có thể kinh tế, xã hội của quốc gia này nữa (Huỳnh Công Bá :100).

Từ ngày ra đời, vương quốc Champa đã chịu ảnh hưởng sâu sắc nền văn minh Ấn Độ. Quá trình hình thành một quốc gia đa tộc người, với tư cách là một quốc gia độc lập Champa liên tục bị đe dọa từ các quốc gia láng giềng. Mỗi khi hùng mạnh, các quốc gia xung quanh thường đem quân sang gây chiến để cướp bóc và chiếm lấn đất đai, đặt nền cai trị trên lãnh thổ Champa.

Thế kỉ thứ III, Champa đã chú ý xây dựng bộ máy chính quyền, quân đội, lấy dãy Hoành Sơn làm cương giới phía Bắc, xây dựng thành Khu Túc để phòng ngự (Linh Ninh:18).
Do vị trí địa lí gần với Trung Quốc, một quốc gia lớn mạnh có nền văn hóa khác với Champa. Nên giữa hai quốc gia này, thường xuyên xảy ra chiến sự vì mục đích cướp bóc và đồng hóa văn hóa.
Vùng đất phía Bắc của Champa từ đèo Hải Vân đến đèo Hoành Sơn mà Phạm Văn đem quân chiếm được từ thế kỉ III cho đến cuối nhà Tùy (đầu thế kỉ VII) vẫn là vùng đất thường xuyên xảy ra chiến sự giữa Champa với Trung Quốc. Năm 446, thứ sử Giao Châu là Đàn Hòa Chi đã đem quân đánh Champa cướp đoạt nhiều của cải và đốt phá cả kinh đô. Đến năm 605, tướng Lưu Phương nhà Tùy lại tấn công Champa lần nữa (Hà Bích Liên:33).
Sự thống nhất của Champa còn lỏng lẻo do điều kiện giao lưu đi lại giữa các vùng trong vương quốc còn rất khó khăn và trong một tình trạng phân tán quyền lực khó tránh khỏi giữa Bắc và Nam Champa ( Hà Bích Liên : 34).
Nhưng từ thế kỉ VII, vương quốc Champa đã trở thành một quốc gia hùng mạnh, nắm quyền cai trị trên một lãnh thổ rộng lớn. Vương quốc chia thành 5 khu vực hành chính hay tiểu vương quốc là : Indrapura, Amaravati, Vijaya, Kauthara và Panduranga.

Nhiều sử liệu cũng đã từng chứng minh rằng Champa không phải là một vương quốc có một thể chế chính trị “Trung ương tập quyền” như người ta thường hiểu lầm, nhưng là một quốc gia liên bang. Mỗi tiểu vương quốc có một thể chế chính trị tự trị và có quyền li khai ra khỏi liên bang Champa để xây dựng lấy một vương quốc độc lập riêng biệt. Champa bắt đầu dùng chính sách hữu nghị để bang giao với các nước láng giềng.
Vương quốc này đã nhiều lần gởi những quà cống chư hầu cũng như phái bộ ngoại giao sang Trung Quốc và tiếp tục phát triển chương trình trao đổi kinh tế và tôn giáo với cường quốc này. Chính những chuyến du hành của nhiều nhà tu sĩ Phật giáo từ Trung Quốc sang Ấn Độ thường hay ghé qua hải cảng Champa là nguyên nhân chính yếu có sự hiện diện của đạo Phật đại thừa trong vương quốc này. Đối với Cambodia, Champa luôn luôn coi vương quốc này một quốc gia láng giềng anh em (Po Dharma).

Quan hệ giữa Champa và Cambodia ngày càng thân thiết, khi một ông hoàng Chăm sang làm phò mã nước Bhavapura (Chân Lạp), không chỉ có quan hệ hôn nhân mà còn có quan hệ văn hóa. Bởi thế mà trong kiến trúc xây dựng đền tháp Champa ở Mỹ Sơn E1 có cái vòm cửa chịu ảnh hưởng khá rõ của Prei Khmeng ( khoảng giữa thế kỉ VIII) của Chân Lạp. Ngược lại, người Champa cũng đem kinh nghiệm làm gạch, xây gạch phổ biến lại cho người Khmer và còn giúp người Khmer xây dựng tháp Prasat Damrei Krap năm 802 ( Lương Ninh:33).

Riêng Việt Nam, thời điểm này còn bị sự thống trị của Trung Quốc nên không có quan hệ về mặc ngoại giao nhưng vẫn có sự trao đổi, đi lại giữa người dân khu vực chung đường biên giới.

Thế kỉ thứ VIII, một sự kiện lớn xảy ra đối với Champa. Đó là việc chuyển kinh đô vào miền Nam vào Rajapura, tức Virapura ở phía Nam đèo Cả mà không thấy do tranh chấp, xung đột nào. Còn miền Bắc dường như được độc quyền quan hệ với nước ngoài, trở thành vùng quần cư đông đúc mới Sinhapura, trở thành Trà Kiệu với kiến trúc đền tháp và những phù điêu đá vào hàng đẹp nhất của người Chăm (Lương Ninh:33-34).
Trong các năm 774 và năm 787, Champa hai lần bị người Java tấn công, cướp bóc của cải châu báu và tàn phá đền đài. Nhưng sau đó, Champa đã phục hồi được sức mạnh và còn đem quân đánh Chân Lạp, khiến vua nước này vì lo đối phó mà chậm làm lễ đăng quang (Huỳnh Công Bá:104).
Xung đột quân sự xảy ra trong thời kì vương triều miền Nam giữa Java – Champa là lần đầu và cũng là lần duy nhất duy nhất trong lịch sử quan hệ của hai nước nước này. Giai đoạn cuối và những thế kỉ sau đó mối quan hệ này càng ngày càng trở nên thân thiện Bia kí Java đã lưu ý đến sự có mặt của người Chăm vào những năm 762, năm 831 Saka (Năm 840, 902 công lịch) trong hoàng cung của Kuti ở Đông Java. Nhiều nhà buôn người Champa cũng đã có mặt ở Champa ( Hà Bích Liên:45).

Thế kỉ IX, Champa liên tục xảy ra tình trạng đấu tranh trong nội bộ quốc, nhưng do yêu cầu ổn định để phát triển và mở rộng quan hệ ngoại giao với bên ngoài hòa bình được lập lại, đất nước được thống nhất. Một nét nổi bật trong giai đoạn này là sự phát triển của Phật giáo, dĩ nhiên sẽ xảy ra quá trình cạnh tranh với Bàlamôn giáo, sự cạnh tranh này thể hiện qua việc xây dựng các công trình tôn giáo.
Vua Champa đã chú tâm rất nhiều đến công trình xây cất các đền đài Phật giáo ở Đồng Dương hay các đền đài Bàlamôn giáo ở Mỹ Sơn ( theo Po Dharma). Nội bộ Champa diễn ra sự phân chia quyền lực dẫn đến việc dời đô từ Panduranga ở miền Nam đến Indrapura ( Thành phố của thần Indra – Thần đứng đầu của các thần).
Địa điểm kinh đô mới là làng Đồng Dương trên bờ sông Ly Ly – Một nhánh sông Thu Bồn cách Trà Kiệu khoảng 15km về phía Đông Nam. Dưới vương triều Đồng Dương ( còn gọi là vương triều Phật Giáo ), đạo Phật phát triển rất mạnh, tuy rằng Ấn Độ giáo vẫn không bị bài xích (Hà Bích Liên:106).
Vương triều Indrapura rất thịnh trị thể hiện ở chỗ nhiều công trình giáo được xây dựng, quân sự được trang bị tốt. Champa đã 3 lần tấn công An Nam ( vào năm 861, 862, 865). Champa đã làm phá sản ý chí xâm lược của vua Chân Lập là Yasovarman vào những năm 889-890, gây thiệt hại lớn cho Chân Lập.

Thế kỉ X, khi Đại Việt dần thoát khỏi sự kìm kẹp của Trung Quốc, chính sách cai trị của các triều đại Trung Quốc đã để lại một gánh nặng lớn cho Đại Việt trong vấn đề khôi phục, xây dựng, tổ chức lại đời sống kinh tế, xã hội. Để giải quyết vấn nạn trên, Đại Việt tăng cường xây dựng bộ máy chính quyền Trung ương, ban hành những chính sách mới thúc đẩy sức sản xuất của đất nước, khẳng định sự tồn tại của mình và bắt đầu tiến hành chiến tranh với nước láng giềng một mặt để cướp bóc, xâm lấn, mặt khác để thị uy.
Nếu như trước đây, những rạn nứt trong quan hệ Champa chỉ đối mặt với cuộc tấn công của Cambodia, đến đây lại thêm Đại Việt đang lớn mạnh nhanh chống. Do Đại Việt và Champa phát triển theo ý thức chính trị khác nhau, dẫn đến việc ứng xử quyền lợi giữa hai giai cấp và dân tộc không giống nhau, nên kết quả thường giải quyết bằng xung đột quân sự. Cuộc chiến tranh mạnh được yếu thua là một luật tất yếu trong lịch sử thế giới cổ trung đại.
Sự thịnh vượng của kinh đô ánh sáng Indrapura trở thành miếng mồi ngon cho cơn khát Đại Việt muốn bành trướng về phương Nam. Cuộc chiến tranh luôn nóng bỏng ở vùng giáp gianh đường biên giới hai nước. Để chuẩn bị cho cuộc chống trả lâu dài, Champa tiến hành xây dựng một kinh đô mới ở Vijaya (Bình Định) đến năm 1000 cho dời toàn bộ triều đình ở Indrapura (Quảng Nam) về Vijaya.
Vì kinh đô mới có đường biên giới cách xa với Đại Việt.
Mặc khác, khi chiến sự xảy ra sẽ có sự hỗ trợ nhanh chống từ tiểu quốc Panduranga và các tộc người ở dãy Trường Sơn thần phục Champa để ứng cứu nguy cấp.

Thế kỉ XI, nằm kẹp giữa hai nước lớn đang trên đà phát triển, từ thế kỉ XI-XIII, Champa chao đảo trong quan hệ tay ba giữa Cambodia và Đại Việt. Champa vừa chủ động vừa bị động gây chiến, vừa theo lại vừa chống cả hai. Quan hệ phức tạp này thường đi cùng với những biến động về chính trị và xu hướng phân liệt trong vương quốc ( Hà Bích Liên:72).
Mặc dù các vua của thời kì đầu Vijaya đã có cố gắng để thống nhất đất nước, nhưng ta vẫn thấy sự thống nhất còn bấp bênh, chưa thật vững chắc. Sự phân liệt trong nước gần như luôn xảy ra cùng với sự xung đột bên ngoài lãnh thổ. Nội tình quả thật chưa đủ mạnh, nhưng mặc khác đó cũng là hậu quả trực tiếp của những xung đột chính trị, lãnh thổ thường xuyên xảy ra với các nước láng giềng ( Hà Bích Liên:73).
Năm 1044, vua Đại Việt là Lý Thánh Tông dẫn đầu một đoàn quân hùng mạnh sang xâm chiếm Vijaya ( Đồ Bàn) đã đốt phá thủ đô Đồ Bàn và giết chết vua Champa là Sạ Đậu trong trận chiến.

Hơn mười năm sau, quan hệ hai nước trở lại bình thường hóa, Champa thường xuyên phái bộ đến Đại Việt để tặng những cống phẩm và trao đổi văn hóa.

Đến năm 1069, một sự bất ngờ lớn đến với Champa. Vua Lý Thánh Tông hạ chiếu thân chinh Champa không rõ lí do vững chắc. Cuộc hành quân viễn chinh này do Lý Thường Kiệt cầm đầu đã đánh thẳng và kinh đô Vijaya đã giết rất nhiều quân và dân Champa.
Vua Champa theo tên gọi của Đại Việt là Chế Củ bị bắt sống. Để được tự do Chế Củ phải cam kết thần phục và cắt một phần lãnh thổ cho Đại Việt. Đó là phần đất Bố Chính, Địa Lí, Ma Linh ( tức vùng Quảng Trị đến Huế ngày nay).
Tình hình bất ổn chính trị trong nước chưa giải quyết dứt điểm, Champa lại có chiến sự với Cambodia và Đại Việt. Do vậy, mà vị thế Champa đang suy vi dần, phải chấp nhận nghĩa vụ cống nạp với Trung Quốc nay lại thêm Đại Việt. Đây là những gánh nặng lớn cho một đất nước đất không rộng người không đông, trở lực này làm cản trợ bước phát triển của Champa trong các vương triều về sau thấy rõ ràng.

Thế kỉ XII, mối bang giao giữa Champa với Cambodia từ thân thiết, tin cậy trở nên xấu đi trầm trọng, hai quốc gia cùng chịu ảnh hưởng Hindu giáo đã giải quyết những nghi kị bằng cuộc chiến tranh huynh đệ tàn khóc.

Năm 1132, liên minh quân sự Cambodia – Champa phối hợp cùng nhau tấn công Đại Việt. Trước sức phản kháng mạnh liệt, cuộc tấn công nhanh chống bị đẩy lùi. Sau sự thất bại này, quan hệ Champa-Cambodia bị rạn nứt tệ hại, vì sự nghi ngờ lẫn nhau dẫn đến hiềm khích, xung đột khó giải hòa.
Năm 1145, vua Cambodia là Suryavarman II đem quân quay lưng đánh chiếm kinh đô Vijaya của Champa (Hà Bích Liên:198). Sau đó, đặt nền cai trị ở Champa luôn. Trước sự phản bội trắng trợn, nhân dân Champa liên tục nổi dậy chống lại sự đô hộ của ngoại bang và giải phóng đất nước.

Năm 1177, Jaya Indravarman IV của Champa đã trả đũa bằng cuộc nghinh chiến bằng quân sự vào kinh đô tráng lệ Angkor, giết chết vua Chân Lạp tại trận và chiếm đóng trong vòng 4 năm trời.
Năm 1190, vua Champa là Jaya Varman IV tiếp tục đưa quân trở lại khiêu khích Chân Lạp, lập tức vua Chân Lạp đem quân tấn công vào tận kinh thành Vijaya bắt sống vua Champa đem về nước. Sau đó, đưa người thân tín lên nắm quyền ở Champa. Điều này, đã làm nhân dân Champa phận nổ bằng cuộc kháng chiến liên tục trong hai năm mới thống nhất lại được đất nước.

Thế kỉ XIII, cuộc tranh chấp nội bộ Champa lại dâng cao tột đỉnh vì quyền lực. Tiểu quốc Panduranga sau khi đuổi Chân Lạp giải phóng đất nước, đã tiến hành thống nhất lại đất nước và quyết định xưng vương ở Vijaya phản đối quyết liệt, đưa đến việc cầu viện trợ của Chân Lạp. Lợi dụng cơ hội này Cambodia lại chi phối sâu sắc nội tình của Champa. Hơn thế nữa, còn phối hợp với nhau kéo quân sang đánh Đại Việt.
Năm 1220, Chân Lạp rút quân khỏi Champa vì bị sự uy hiếp từ phía Xiêm La ( Thailand). Kể từ đó, hai quốc gia Hindu giáo chấm dứt luôn sự xung đột với nhau, trở lại quan hệ bình thường. Tuy nhiên cảnh yên bình chẳng bao lâu Champa lại đối mặt với kể thù hùng mạnh hơn, nguy cơ mất nước luôn bị đe dọa bởi đoàn quân viễn chinh Nguyên-Mông.
Năm 1257, quân Nguyên Mông bị chẳng đứng trên lãnh thổ Đại Việt. Nên quyết định chuyển hướng tấn công vào Champa. Đại Việt không những cự tuyệt mọi yêu sách của quân Nguyên Mông trong việc mượn đường đi và cung cấp lương thực để thực hiện ý đồ đánh chiếm Champa mà còn tiếp viện cho Champa 2 vạn quân và 500 chiến thuyền để chống Mông Cổ.
Năm 1282, quân Mông Cổ theo đường biển tiến công vào kinh đô Vijaya, Champa đã thực hiện chiến thuật “ Vườn không nhà trống” rút quân vào vùng rừng núi để phòng ngự chiến đấu, khiến cho đoàn quân viễn chinh bị khốn đốn vì thiếu lương thực. Hai năm chờ đợi mà không giao chiến quân Mông Cổ vì thiếu thốn lương thực nên tự rút quân khỏi Champa.
Trong những năm kháng chiến chống quân Nguyên Mông (1282-1284) quan hệ hai quốc gia láng giềng Đại Việt-Champa trở nên bình thường hóa, mọi rạn nứt trước đây được hàn gắn hết sức ngạc nhiên. Mối bang giao trở nên tốt đẹp sau chiến thắng quân Nguyên Mông. Năm 1285 thái tử Harijit lên ngôi vua lấy hiệu là Jaya Sinhavarman IV ( Lê Vinh Quốc : 59). Sử sách Việt Nam gọi là Chế Mân. Ông là người tài giỏi có công lớn trong việc làm phá sản âm mưu xâm lược của quân Nguyên Mông.
Chế Mân đã kiến thiết lại đất nước thi hành nhiều chính sách ngoại giao khôn khéo, cởi mở, kết thân với các quốc gia láng giềng.
Trong nước, Chế Mân đẩy mạnh sự liên hệ với các tộc người ở Trường Sơn Tây Nguyên vốn thần phục Champa, thực hiện việc mở rộng lãnh thổ về phía Tây. Đặt nền cai trị đến tận Tây Nguyên, lãnh thổ Champa vươn rộng đến Đồng Nai. Hoạt động kinh tế trên cảng biển trở lại thời kì sôi động, nhộn nhịp, thu hút nhiều tàu buôn ở các nước Đông Nam Á đến buôn bán.
Ngoài nước, Chế Mân luôn tỏ ra hòa hiếu với Đại Việt và các quốc gia hải đảo. Đặc biệt, trong và sau cuộc liên minh quân sự đánh bại quân Nguyên Mông. Với Cambodia không hề có cuộc xung đột, khiêu khích nào xảy ra, với Java càng gắn bó chặt chẽ qua cuộc hôn nhân giữa Chế Mân với hoàng hậu Tapasi của Java. Champa thời Chế Mân là giai đoạn thịnh trị và yên bình nhất trong lịch sử Champa.
Thế kỉ XIV, cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông thành công, nhưng Champa bị mất một phần lãnh thổ khá quan trọng ở Bắc Champa. Đó là vùng Châu Ô, Châu Lý ( tức khu vực Thừa Thiên Huế ngày nay ) vào năm 1306. Nguyên nhân từ cuộc bang giao chính trị lạ thường giữa Đại Việt và Champa. Vua Trần Nhân Tông sau gần một năm du ngoạn ở Champa, khi về nước đã bằng lòng cho con gái mình là Trần Huyền Trân sang làm dâu ở xứ Champa.
Chế Mân từng nhận viện binh của Trần Nhân Tông trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, nay trở thành chàng rể của Đại Việt. Đây là cuộc hôn nhân đầu tiên trong lịch sử Champa và Đại Việt. Đằng sau sự thân tình là một khoảng tối mênh mông chưa ai làm rõ được. Thời gian ở xứ sở Champa công chúa Huyền Trân rất được ân sủng của hoàng đế Champa, nàng được ưu ái đưa lên ngôi đương kim hoàng hoàng hậu.
Tuy nhiên, thiên tình sử này chẳng kéo dài bao lâu, một năm sau cái chết đột ngột của của hoàng đế Champa mà không ai hiểu nổi lí do, đã làm sống lại vết thương rạn nứt vốn có trong quan hệ Champa-Đại Việt. Phải chăng nó có sự liên quan đến Công chúa Huyền Trân ? Sự xuất hiện của bà như là gián điệp đã mua chuộc thành công một số quý tộc Champa và gây một sự chia rẽ lớn trong triều đình Champa.

Nói cách khác, chủ mưu cho cái chết của Chế Mân chính là Trần Nhân Tông. Vì ông đã nhận thấy được mối hiểm họa có thể đến từ Champa, nên ông đã phòng ngừa sức mạnh của Champa trong tương lai. Giả sử, một Champa bắt tay với Trung Quốc, Cambodia và các quốc đảo khác tạo nên một sức mạnh tổng hợp đánh vào Đại Việt thì hệ quả sẽ như thế nào. Và thật sự, Trung Quốc luôn muốn lợi dụng Champa để kìm kẹp Đại Việt. Bên cạnh đó, Đại Việt nhỏ bé không thể bàng trướng lên phía Bắc nổi, chỉ còn cách đánh xuống phía Nam vừa tìm được nguồn sống vừa vừa tạo được thế rút lui an toàn khi bị Trung Quốc tấn công. Vì vậy, cái chết của Chế Mân là do ý tưởng của Trần Nhân Tông cho dù ông đã rút khỏi triều chính để làm chức Thái thượng hoàng. Trần Huyền Trân chỉ thực thi mệnh lệnh mà thôi !
Quả thật, Champa đã chịu nhiều mất mát lớn sau cái chết của hoàng đế Chế Mân. Từ đó, quan hệ Đại Việt-Champa bị trượt dốc trầm trọng, những cuộc chiến tranh đòi lại đất đai liên tục diễn ra.
Thêm vào đó, Champa cũng đang bị mất dần sự liên hệ với các quốc đảo. Philippine đã liên hệ trực tiếp với Trung Quốc không còn qua lãnh hải Champa. Cambodia thì đang rối ren với cuộc kháng chiến với Ayuthaya của Thailand nên không có liên hệ nhiều với Champa.
Tuy vậy, từ năm 1360, làn sống chóng Đại Việt diễn ra mạnh mẽ. Với sự xuất hiện của Chế Bồng Nga. Hai quốc gia đã xảy ra chiến sự trong suốt 30 năm, đã hơn 15 lần Champa đánh Đại Việt, 3 lần phá nát kinh đô Thăng Long và giết chết cả vua Đại Việt là Trần Duệ Tông.

Việc Chế Bồng Nga chủ động tiến công Đại Việt là muốn giành lại phần lãnh thổ Champa đã bị mất trước đây. Mặc dù, tài chỉ huy quân sự kiệt suất đã nhiều lần khiến Đại Việt bỏ kinh đô chạy trốn. Nhưng quá trình huy động nhân vật lực cho cuộc chiến quá dài và kết cuộc bất thành Champa đã bị mất uy tín rất nhiều trong khu vực. Đặc biệt là sự suy thoái của nền kinh tế, sự phai mờ của văn hóa Hindu giáo đã đưa xã hội Champa rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng. Được thế thắng, các triều đại Việt Nam không ngừng thực hiện chính sách xâm lấn đất đai, tranh giành nguồn lợi tự nhiên, từng bước đẩy lùi Champa về phương Nam mỗi khi có điều kiện.

Thế kỉ XV, sau một thời gian làm quan ăn lương nhà Trần, Hồ Quý Ly đã từng bước được thăng quan tiến chức, rồi giành luôn ngôi vua của nhà Trần. Hồ Quý Ly mặc dù thi hành nhiều chính sách thân thiện với nhà Minh (Trung Quốc). Riêng với Champa, Hồ Quý Ly thường dồn sức gây chiến để thị uy. Trước thế bị tấn công, vua Champa là Ba Đích Lai ( Indravarman V) phải chấp nhận nhưỡng vùng đất Chiêm Đông và Cổ Lũy để được Hiệp định đình chiến.
Như thế, sau năm 1404 cương giới Champa chỉ còn từ Bình Định trở vào. Vùng Amaravati với thánh địa tôn nghiêm và cố đô đã thuộc quyền kiểm soát của Đại Việt (Hà Bích Liên:108).
Năm 1414, thừa lúc Lê Lợi và nhà Minh đang nghinh chiến, Champa lần lượt thu hồi lại được vùng đất đã bị mất thời Hồ Quý Ly.
Indravarman V ( Ba Đích Lai) đặc biệt chú tâm đến vùng đất Cao nguyên trung phần và Đồng Nai để phát triển đất nước. Vì những liên hệ với thế giới Hindu giáo đã phai mờ hẳn. Indravarman V nổ lực tìm cách huy động mọi nguồn lực kinh tế, xã hội để kiến thiết lại triều chính, ngăn ngừa những xung đột với Đại Việt.
Năm 1467, có sứ thần Champa sang Đại Việt xin sắc phong và trong sử sách Việt Nam ghi tên vua mới của Champa là Bố Điền. Ông có thái độ hòa hiếu với quốc gia láng giềng.
Nhưng sau đó, phái đối lập trong triều đình Champa đã giành lại vương quyền bằng cách lật đổ Bố Điền đưa người khác lên thay là Bàn La Trà Toàn. Ngược hẳn với vua tiền nhiệm, Bàn La Trà Toàn có ý thức rõ ràng về cương vực lãnh thổ nên phát động quân sự đánh vào Đại Việt ở những vùng đất Champa bị mất vào thời Chế Mân để đòi lại.

Hành động đó, bị phía Đại Việt lên án mạnh mẽ “ là người hung bạo, làm bậy, dối thần ngược dân, lại kêu ngạo tự cho mình là giỏi, kinh rẽ làm nhục sứ thần của Đại Việt, xâm nhiễu dân biên giới”nhưng không phải chỉ có thế . Hiện tượng Bàn La Trà Toàn có lẽ còn khơi lại cả sự kiện Chế Bồng Nga, nhắc lại một mối lo ngại không dứt về những cuộc chiến tranh sẽ nổ ra.
Đáp lại hành động, vua Lê Thánh Tông đã quyết định thực hiện một cuộc viễn chinh quân sự với quy mô lớn đánh thẳng vào kinh đô Vijaya của Champa.
Năm 1471, vua Lê đích thân đem 26 vạn quân đi đánh Champa. Trận đánh toàn thắng, chiếm được kinh đô Vijaya bắt được vua Bàn La Trà Toàn. Một viên tướng Chăm là Bố Trì Trì chạy vào Phan Rang, tự lập làm vua và xin sắc phong. Nhà Lê đã chấp nhận. Vua Lê đã chiếm lại Chiêm Động và Cổ Lũy và lấy thêm phần lãnh thổ mới là Vijaya sáp nhập vào, lập thành một đạo mới gọi là Quảng Nam (bao gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định ngày nay). Vương triều Vijaya đến nay chấm dứt ( Lương Ninh:114).
Từ đó về sau, các vương triều Champa không bao giờ đạt được sự hưng thịnh như Vijaya từng tồn tại. Xã hội Champa bị sụp đổ toàn diện về cơ chế tổ chức quản lí xã hội theo mô thức Hindu giáo, nhiều bước chuyển của xã hội diễn ra theo một xu hướng mới. Đó là sự trỗi dậy của tư tưởng Islam giáo ngày càng mạnh lên.

Thế kỉ XVI-XVII, sự mở rộng lãnh thổ của Đại Việt trên vùng lãnh thổ Champa được thiết lập vững chắc. Đặc biệt từ cha con Nguyễn Hoàng và Nguyễn Phúc Nguyên. Kinh tế của chúa Nguyễn ở Đàng Trong tạo sự thu hút của tàu buôn nước ngoài đến rất nhiều, vô hình chung đã giành luôn những bạn hàng đến từ vùng viễn đông với Champa và đã tạo thành một sức cạnh tranh khá gây gắt.
Tuy vậy, chính những mối quan hệ buôn bán trên vùng biển tự do ngoài sự kiểm soát của quốc vương Champa đã vẫy gọi những tàu buôn từ Bruney, Bunta, Java… vào cảng Champa ( Hà Bích Liên:121). Ngược lại những tàu buôn Champa cũng đến Malaysia và Indonesia thường xuyên. Điều này sẽ giải thích tại sao Islam được duy trì và phát triển ở Champa.
Do không chấp nhận sự có mặt ngày càng nhiều người Việt trên lãnh thổ Champa, Po Nit (1603-1613) đứng lên chống lại sự đô hộ của người Việt ở Phú Yên, cuộc kháng chiến bất thành.
Chúa Nguyễn xung luôn vùng đất Phú Yên làm dinh Trấn Biên. Tuy nhiên, người Chăm vẫn bám trụ lại vùng đất của tổ tiên, ngày nay họ được nhận dạng qua nét văn hóa Chăm và tộc danh Chăm H’Re, Chăm H’Roi.
Xung đột Nam Bắc triều và nội chiến Trịnh-Nguyễn kéo dài đã phần nào làm cho sức mạnh của Đại Việt suy nhược, giảm chi phối đến nội tình Champa. Nhờ đó, Champa có thời gian hòa bình để ổn định tổ chức lại cơ cấu kinh tế, văn hóa, xã hội.
Hơn 45 năm nội chiến xảy ra ở Đại Việt cũng là lúc Champa từng bước được hồi phục về kinh tế, do được tự do phát triển trong hòa bình. Và Po Rome đã xuất hiện như một hiện tượng mới lạ với bao huyền thoại trong lịch sử Champa. Vua Po Rome chuyên tâm vào kiến thiết lại đất nước, chú tâm phát triển kinh tế, xã hội. Tiến hành xây dựng hệ thống thủy lợi để phục vụ nước tưới tiêu trong nông nghiệp, với công trình đập nước Maren được sử dụng đến tận bây giờ. Hơn thế nữa, Vua Po Rome đã xuất sắc trong việc nối lại sự liên hệ với các tộc người ở Cao Nguyên Trung Phần qua cuộc hôn nhân với con gái của một tù trưởng người Eđê ( Rađê), nhằm mục đích tạo sự gắn kết chặt chẽ người Chăm ở Đồng Bằng và người Chăm vùng Cao Nguyên ( bao gồm các tộc người ở Tây Nguyên).
Trong bang giao với chúa Nguyễn, Po Rome cũng tạo được sự tin tưởng rất lớn, đến nổi cưới luôn con gái của chúa Nguyễn là Ngọc Khoa để làm cung nữ. Triều đại Po Rome hưng thịnh kéo dài không lâu. Vị vua kế nghiệp là Po Nrop có đường lối cứng rắn với chúa Nguyễn. Ông tiến hành hoạt động quân sự để chiếm lại vùng đất Phú Yên bị mất thời Po Nit. Nhưng không may bị thất trận, không những không lấy lại được vùng đất đã mất mà còn mất luôn hẳn vùng đất Kauthara vào tay chúa Nguyễn kiểm soát và thiết lập nền hành chính mới tại vùng đất này là dinh Thái Khang và Diên Khánh.
Như vậy, Champa chỉ còn vọn vẹn vùng đất Panduranga làm nơi sinh sống và một bộ phận dân cư ở Đồng Nai. Sự mất dần chủ quyền đất đai và nguồn lợi kinh tế đã đưa xã hội Champa vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng. Lịch sử Champa có bước tiến triển mới hay không phụ thuộc rất lớn từ cuộc nội chiến của Việt Nam và thái độ ứng xử của Việt Nam đối với vấn đề xã hội Champa. Bởi vì, Champa không còn làn gianh Bắc Nam nữa mà phân hóa theo một hướng khác rất tệ hại. Đó là, thái độ khác nhau của người Chăm trong việc hợp tác với Đại Việt hay đứng về phía Champa để chống lại người Việt đến cùng. Sự phân hóa này, làm cho Champa trở thành nạn nhân của cuộc tranh giành quyền lực trong suốt vương triều Nguyễn.
Mặc dù, bị mất kauthara một trung tâm của Hindu giáo con đường thông thương với các quốc đảo vùng biển đông bị cắt đứt đoạn, nhưng nhân dân Champa vẫn giữ vững ngọn lửa đấu tranh. Po Thot (1660-1692) đã lãnh đạo cuộc nổi dậy chống lại chúa Nguyễn nhưng nhanh chống bị thất bại và bị bắt tại trận.
Như một thông lệ lịch sử, cứ mỗi lần đứng đấu tranh để đòi lại đất đai bị xâm chiếm, Champa càng bị đẩy lùi về phía Nam. Toàn bộ lãnh thổ còn lại của Champa bị biến thành một đơn vị hành chính của chúa Nguyễn là trấn Thuận Thành.
Đến tháng 8-1693, đổi trấn Thuận Thành bằng phủ Bình Thuận (Hà Bích Liên:132).

Thật sự, trên danh nghĩa chúa Nguyễn làm chủ trên toàn cõi Champa nhưng chưa thể trực tiếp quản lí được. Do đó, chúa Nguyễn thường đặt cách quy chế người Champa quản lí người Champa theo sự sắp xếp của chúa Nguyễn. Chính sách tự trị này, được triều Nguyễn thực thi để dập tắt ngọn lửa kháng chiến chống lại người Việt.
Thế kỉ XVIII-XIX, việc lập thiết nền hành chính mới là phủ Bình Thuận của nhà Nguyễn, nhằm tiến sâu vào lãnh thổ nhỏ bé còn lại của Panduranga với lí do để bảo vệ bộ phận người Việt mới di cư sang. Quá trình cộng cư đan xen đã làm xóa mờ lãnh thổ độc lập của Champa và xáo trộn cơ cấu tổ chức kinh tế, xã hội truyền thống.
Năm 1771, phong trào Tây Sơn nổ ra. Khi Nguyễn Huệ làm chủ được đất nước thì Nguyễn Ánh ráo riết xây dựng cơ sở ở phía Nam để phản công. Thế là phần lãnh thổ của Champa ở giữa trở thành trận địa quyết liệt và cuộc tranh giành quyền lực lãnh đạo đất nước đã lôi kéo cả người Champa vào cuộc chiến tranh riêng tư của họ Nguyễn.
Cuối cùng, Nguyễn Ánh đã thống nhất được đất nước và mở ra một triều đại. Đó là vương triều Nguyễn. Để cảm ơn quý tộc Champa đã góp công làm nên chiến thắng. Người đứng đầu triều đình nhà Nguyễn là Gia Long đã ban bố nhiều chính sách mới đối với Champa và vẫn tôn trọng quyền kế vị theo truyền thống Champa, được hưởng quy chế tự trị để quản lí dân Champa như một chính quyền chuyên chế.
Từ năm 1793-1799, Po Ladhun Dapaguh là một thủ lĩnh quân sự Chăm làm chưởng cơ quản lí vùng đất Thuận Thành.
Năm 1799-1802, Po Saung Nun Can được cử làm Khâm sai thống binh cai cơ làm phó trấn Thuận Thành.
Năm 1802-1820, Po Klan Thu lên thay thế.
Năm 1828-1832, Po Phauk Tha được tiến cử đảm nhận cai quản vùng đất Thuận Thành.

Trong thời kì đầu nhà Nguyễn không gây ra một sự bất ổn lớn cho Champa cũng như không can thiệp nhiều vào phong tục, tập quán truyền thống của Champa. Điều này, tạo thuận lợi cho người Chăm được yên ổn để sinh sống.
Tuy nhiên, về sau Minh Mạng với những chính sách cải cách đất nước, đã không chấp nhận sự tồn tại cát cứ, nằm ngoài sự quản lí của triều đình. Chính sách cải cách hành chính do Minh Mạng khởi xướng đã châm ngọn lửa đấu tranh chống người Việt bùng phát.

Đó là phong trào khởi nghĩa Katip Sumat (1834) dưới ngọn cờ Islam hy sinh vì đạo để phận nổ chính sách Minh Mạng can thiệp nghiêm trọng vào sinh hoạt của Champa.

Tiếp sau đó là cuộc khởi nghĩa của Ja Tha Wa (1835). Cả hai phong trào chống lại người Việt bị dập tắt trong bể máu. Minh Mạng đã thẳng đàn áp để phòng ngừa những phong trào chống lại người Việt về sau.

Như vậy, năm 1832, đánh dấu mốc thời điểm cuối cùng của vương quốc Champa, một quốc gia hình thành đầu tiên ở Đông Nam Á và từng giữ vị trí kinh tế, chính trị quan trọng trong khu vực.

Cư dân Champa vì nạn chiến tranh liên tục nên li tán, lưu vong khắp nơi, một bộ phận nhỏ vẫn còn sinh sống trên lãnh thổ tổ tiên, vẫn giữ được văn hóa cổ truyền. Những di dân Champa đã hòa nhập vào các quốc gia mà họ tị nạn, trở nên mất gốc, xa lạ với Hindu giáo và mất hết sự liện hệ với cố quốc.

Đồng thời văn hóa Champa cũng bị phai mờ nhiều. Nhiều thành tựu về kĩ thuật xây dựng đền tháp bị thất truyền. Nghệ thuật điêu khắc, tạc tượng bị lãng quen. Tổ chức xã hội Champa bị biến đổi nhiều. Những thành quả lao động sáng tạo nghệ thuật hơn 17 thế kỉ khó phục hưng.


Tài liệu tham khảo


1. Huỳnh Công Bá (2004), Lịch sử Việt Nam, Nxb Thuận Hóa.
2. Will Durant ( Nguyễn Hiến Lê dịch, 1971), Lịch sử văn minh Ấn Độ, Nxb Văn hóa.
3. Lê Phụng Hoàng ( Chủ biên, 2008), Lịch sử văn minh thế giới, Nxb Giáo Dục.
4. Hà Bích Liên (luận án tiến sĩ sử học, 2000), Quan hệ giữa vương quốc cổ Champa với các nước trong khu vực. Hà Nội.
5. Lương Ninh (2004), Lịch sử vương quốc Champa, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
6. Linh Ninh (Chủ biên, 2008), Lịch sử Đông Nam Á, Nxb Giáo Dục.
7. Vũ Dương Ninh ( Chủ Biên, 1999), Lịch sử văn minh thế giới, Nxb Giáo Dục.
Chữ ký của Bahasa




 

SƠ LƯỢC VỀ LỊCH SỬ CHAMPA

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
CLB Sử Học Trẻ Việt Nam :: LỊCH SỬ THẾ GIỚI :: Tập san lịch sử các nước-
________________________________________________________________________
Copyright ©2007 - 2009, Forumotion
Suhoctre ©2007- 2009 Phát triển bởi thành viên Diễn đàn
BQT Diễn đàn: Châu Tiến Lộc - Nguyễn Thị Trang - Phạm Ngọc Thạch

Sáng lập viên : Châu Tiến Lộc, Nguyễn Hùng Sơn, Nguyễn Thái Bình
Email : suhoctre@gmail.com - Forum : http://suhoctre.no1.vn
Xem trang web này tốt nhất với độ phân giải 1024x768 (hoặc cao hơn) với Firefox 3.0


Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất